Đòn bẩy lợi ích chiến lược
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang có chuyến thăm tới Trung Quốc từ ngày 5 đến 8-4.
Đằng sau chương trình nghị sự dày đặc, chuyến thăm Trung Quốc của hai nhà lãnh đạo Pháp và EC được ví như đòn bẩy lợi ích chiến lược, vừa tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc, vừa thúc đẩy vai trò hòa giải của Bắc Kinh trong cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine hiện nay.
Không khó để nhận ra rằng mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Pháp và EC là xây dựng một “con đường thứ 3”, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh với Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2019, sau khi Liên minh châu Âu (EU) theo đuổi chính sách coi Trung Quốc là đối tác trong các vấn đề toàn cầu lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, nhưng lại là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ cao, cũng như đối thủ mang tính hệ thống đối với nền dân chủ ở châu Âu. Mối quan hệ EU-Trung Quốc từ đó gặp phải không ít khó khăn và trở ngại, điển hình là vào tháng 5-2021, Nghị viện châu Âu (EP) “đóng băng” Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) EU-Trung Quốc khi văn bản trên còn chưa ráo mực. Sau một giai đoạn không có động thái cải thiện quan hệ, đồng thời các tiếp xúc trực tiếp bị ngăn cách bởi những hạn chế đi lại thời đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo EU nhận thức được rằng, dù muốn hay không, họ cũng không thể hành động trên phạm vi toàn cầu mà không có sự tương tác với Trung Quốc. Đúng như Chủ tịch EC Leyen mới đây khẳng định: “Tôi tin rằng tách khỏi Trung Quốc vừa không khả thi, vừa không phù hợp với lợi ích của châu Âu”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP |
Cũng chung quan điểm với bà Leyen, Tổng thống Macron mong muốn thiết lập mối quan hệ kinh tế cân bằng với Bắc Kinh nhằm mục đích mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong EU, sau Đức và Hà Lan. Mặc dù kim ngạch thương mại Pháp-Trung tăng mạnh trong năm 2022 nhưng Pháp thâm hụt đến 50 tỷ euro, gần gấp đôi so với mức 30 tỷ euro của năm 2017. Trong bối cảnh Pháp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế và xã hội, việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc có thể giúp nước này đạt được lợi thế cho nền kinh tế của mình. Do đó, việc đoàn 50 chủ doanh nghiệp lớn của Pháp, trong đó có Tập đoàn Airbus, công ty vận tải đường sắt Alstom, tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF… cùng đi với Tổng thống Macron sang Trung Quốc ký một số thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân và năng lượng gió, được kỳ vọng là đòn bẩy cho hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Macron và bà Leyen chỉ diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cuối tuần trước và ngay trước thềm chuyến thăm của đại diện cấp cao của EU về an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell vài ngày. “Vũ điệu ngoại giao” ở Trung Quốc cho thấy sự tính toán chiến lược của các nhà lãnh đạo châu Âu. Song song với lĩnh vực kinh tế, châu Âu kỳ vọng Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn giúp giải quyết xung đột tại Ukraine, do tầm ảnh hưởng to lớn của Bắc Kinh đối với Nga. Mặc dù mức độ hoài nghi của EU đối với bản kế hoạch hòa bình 12 điểm nhằm giải quyết xung đột Ukraine mà Trung Quốc công bố cuối tháng 2 vừa qua còn lớn, nhưng nhiều lãnh đạo châu Âu cũng đã công khai cho rằng cần thảo luận trực tiếp với các lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc để tìm hiểu kỹ hơn các đề xuất này.
Hy vọng Trung Quốc trở thành nhà kiến tạo hòa bình, thúc đẩy các giải pháp đàm phán, hòa giải giữa Moscow và Kiev tiếp tục được đẩy lên khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga hồi tháng 3 vừa qua ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Về vấn đề này, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Macron chiều 6-4, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định lập trường thúc đẩy đàm phán hòa bình và ưu tiên hàng đầu là chấm dứt xung đột. Ông tin tưởng, Pháp và Trung Quốc có khả năng và trách nhiệm vượt lên trên những khác biệt và trở ngại, đi theo định hướng chung là quan hệ đối tác chiến lược ổn định, cùng có lợi vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh tiến hành hòa đàm để giải quyết vấn đề Ukraine “càng sớm càng tốt”.
Có thể nói, chuyến công du tới Trung Quốc của Tổng thống Macron và Chủ tịch EC Leyen đã tạo động lực mới và mang lại sức sống mới cho quan hệ Trung Quốc-Pháp nói riêng, với EU nói chung. Chuyến thăm không chỉ dừng lại ở những hợp đồng kinh tế có trị giá lớn mà hơn hết, hai bên giữ được kênh tiếp xúc cấp cao mang tính chất tích cực, xây dựng. Trong bối cảnh hầu hết mối quan hệ quốc tế đang bị thách thức trước sự trở lại của tư duy Chiến tranh Lạnh, việc duy trì nền tảng đối thoại có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là để giải quyết xung đột ở Ukraine hiện nay.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/don-bay-loi-ich-chien-luoc-724189
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()