‘Đòn bẩy’ giúp phục hồi ngành du lịch
Kích cầu du lịch một cách toàn diện và đồng bộ sẽ tạo được hiệu ứng cũng như hiệu quả cao. Ảnh minh họa |
Đây là ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch khi trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ về chủ trương kích cầu du lịch.
Kích cầu du lịch – Đánh thức nhiều điểm còn “ngủ yên”
Như chúng ta đã biết, ngay khi tình hình dịch vừa tạm được kiểm soát, ngày 18/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã phát động chương trình kích cầu du lịch những tháng cuối năm 2020 với chủ đề ‘Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn’.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, sau đợt kích cầu du lịch lần thứ nhất, chúng ta đã thấy hiệu ứng khách đi du lịch nội địa trong mùa hè năm nay thậm chí còn đông hơn năm ngoái. “Tôi có thể khẳng định, đợt kích cầu du lịch lần thứ nhất đã có lượng khách người Việt đi du lịch trong nước rất lớn. Điều đó đã đánh thức nhiều điểm đến mà từ trước đến nay mọi người chưa hề biết đến, bởi lý do nhiều người Việt Nam đã bị thu hút từ các tour du lịch nước ngoài hoặc mọi người có tâm lý thích đi những điểm quen thuộc. Hoặc có thể do chưa tiếp nhận thông tin từ những chương trình khuyến mại hay quảng bá nên đã không lựa chọn”, PGS.TS Phạm Hồng Long nói.
Dưới cái góc nhìn của một người làm nghiên cứu về du lịch, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, chương trình kích cầu du lịch lần thứ nhất đã tạo ra những ý nghĩa rất quan trọng cho ngành du lịch như là truyền thông hiệu quả một thông điệp đến chính người dân Việt Nam về vẻ đẹp của đất nước mình. Đồng thời các điểm đến cũng có động lực, cơ hội để tạo ra các sản phẩm du lịch tốt hơn. Bên cạnh đó, người nước ngoài cũng có được cái nhìn thiện cảm về du lịch Việt Nam tốt hơn.
Chương trình kích cầu du lịch lần 1 có lẽ cũng cho chúng ta thấy, lâu nay các công ty du lịch lữ hành hay các điểm đến chưa thực sự chú trọng khai thác đối tượng khách du lịch trong nước để tạo ra các sản phẩm du lịch dịch vụ phù hợp với phân khúc khách hàng này.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình kích cầu du lịch lần 2 tập trung kích cầu nhằm vào đối tượng khách du lịch là người Việt Nam và người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Đây là một chủ trương đúng để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình kích cầu du lịch lần thứ nhất. Tuy nhiên thời điểm này có những điểm rất khác với thời điểm chúng ta triển khai kích cầu lần 1, cho nên cần có cách làm phù hợp mới thực sự hiệu quả.
Kỳ vọng một kịch bản sớm phục hồi cho ngành du lịch
Tình hình dịch bệnh đến nay cơ bản đã được kiểm soát, chúng ta không còn ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp, khó dự báo.
Có thể thấy, “cú đánh kép” sau đợt dịch 2 khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch, khách sạn đã phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản; hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch mất việc làm, ảnh hưởng thu nhập. Chính vì thế việc khởi động lại các hoạt động du lịch và chương trình kích cầu du lịch nội địa là nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển, không để đứt gãy nền kinh tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành du lịch, việc khôi phục thị trường du lịch nội địa vẫn là việc làm cần ưu tiên và cũng cần có động thái tiến đến chuẩn bị điều kiện cần thiết, để khi các nước trong khu vực, thế giới kiểm soát dịch bệnh, sẽ kiến nghị cho phép mở cửa trở lại với du khách quốc tế.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, hiện Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 sớm nhất, được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đây là một lợi thế cần tranh thủ hiệu ứng truyền thông để nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.
Phấn đấu năm 2020 sẽ đón lượng khách nội địa đạt từ 50% đến 60% so với năm 2019, tương đương từ 7,1 triệu đến 8 triệu lượt khách nội địa. Tổng khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 phấn đấu đón 8,2-9,2 triệu lượt (thấp hơn 34,6% đến 41,7% so với mục tiêu sau khi hết dịch đợt 1); tạo đà năm 2021 sẽ đón lượng khách nội địa đạt từ 70% đến 100% so với năm 2019.
Thời điểm hiện nay là những tháng cuối năm, mọi người đều tập trung vào công việc nên ít có nhu cầu đi chơi xa, nghỉ dưỡng. Thêm vào đó, học sinh đã bắt đầu vào năm học nên các gia đình cũng sẽ hạn chế đi lại hơn. Cho nên lượng khách du lịch đi theo đoàn sẽ không nhiều. Theo nhận định của PGS.TS Phạm Hồng Long, chủ yếu sẽ là những khách lẻ, nhóm gia đình và bạn bè đi vào cuối tuần. Cho nên theo ông Long, việc giảm giá cũng chưa hẳn là giải pháp duy nhất để kích thích nhu cầu du lịch đại chúng vì đối với những khách lẻ, người yêu thích đi du lịch, đi phượt, khám phá thiên nhiên thì không cần giảm giá họ vẫn đi du lịch.
Vào những thời điểm mùa du lịch, dịp lễ, Tết, chúng ta có thể kích cầu du lịch một cách toàn diện và đồng bộ sẽ tạo được hiệu ứng cũng như hiệu quả hơn. Thời gian này, chúng ta nên tập trung vào quản trị và phát triển điểm đến, xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết các điểm đến và xây dựng sản phẩm du lịch, hỗ trợ các công ty lữ hành và khách sạn phục hồi.
Để triển khai kích cầu du lịch hiệu quả trong lần này, các địa phương nên chú ý tập trung vào mô hình kích cầu với nội dung chính là liên kết cũng như xúc tiến và quảng bá; cố gắng tổ chức các sự kiện để quảng bá điểm đến. Như vậy sẽ hiệu quả hơn và không tạo ra áp lực về tài chính cho các doanh nghiệp du lịch.
Việc chi tiêu dành cho du lịch cũng bị ảnh hưởng đối với nhiều người. Tuy nhiên, quan điểm của ông Long là ngành du lịch vẫn có thể duy trì và đa dạng các gói sản phẩm phục vụ các phân khúc khách hàng cao cấp cho đến trung lưu hay bình dân vì nhu cầu đi du lịch của nhóm khách hàng có khả năng chi trả cao gần như không bị chi phối bởi vấn đề nhiều tiền hay ít tiền. Khách du lịch sau nhiều tháng bị “giam chân” bởi đại dịch, sẽ có tâm lý hưởng thụ “sống chậm” tận hưởng cuộc sống một cách ý nghĩa hơn, dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình, thư giãn, do đó làm cho nhu cầu du lịch tăng cao.
Như vậy ở phân khúc này các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì, thậm chí tạo ra nhiều dịch vụ đẳng cấp hơn để thúc đẩy nhu cầu chi tiêu của khách.
Chúng ta nên coi đợt kích cầu lần này là đợt tập dượt và chuẩn bị tiếp theo cho mùa du lịch cao điểm cả thị trường nội địa và quốc tế. Dịp cuối năm và đầu năm mới sẽ là cao điểm của thị trường khách quốc tế. Chúng ta hy vọng, khi dịch bệnh đã được khống chế phần nào và một số tuyến bay thương mại có thể mở lại, du lịch trong nước và quốc tế phục hồi dần dần và sẽ có “cơ hội vàng” để bứt phá.
Kích cầu du lịch là việc làm thường xuyên, hiệu quả, nhưng chúng ta không thể coi đây là chiến lược duy nhất cho phát triển bền vững, lâu dài. Trong kinh doanh, có cả bài học về cơ hội trong thách thức, và cơ hội ở đây chính là sự thúc đẩy để buộc phải phát triển. Sau bối cảnh năm nay, các địa phương đã nhận thấy sự quan trọng của việc đa dạng hóa các sản phẩm, định vị lại thương hiệu của mình, đào tạo lại nhân sự, cần có sự chuẩn bị để sau khi chấm dứt dịch bệnh, chúng ta sẽ đón cơ hội phục hồi. Còn việc kích cầu, xúc tiến du lịch trong lâu dài chúng ta cần có những hành động cụ thể cho tuyên truyền quảng bá tốt nhất. Cần làm bài bản và rất cần có những chính sách lớn, đồng bộ đi kèm.
Ý kiến ()