LSO-Những năm gần đây, Hữu Lũng nổi lên phong trào trồng, chế biến gỗ rừng sản xuất. Từ những xưởng chế biến gỗ đã tạo giá trị gia tăng cho rừng. Cũng từ đây, nghề rừng phát triển và mang lại cho người dân một cuộc sống đủ đầy. Nông dân xã Yên Bình chế biến gỗ rừng trồngGặp lại chúng tôi, anh Lương Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng khoe ngay, gỗ rừng Hữu Lũng không còn xuất bán để làm giàn giáo, cột trụ lò nữa mà được chế biến xuất khẩu sang tận Ma - Lai-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đấy là những tín hiệu vui. Niềm vui ấy bắt đầu bằng thu hút phát triển công nghiệp chế biến ngay trên địa bàn. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi cây vải bị thoái hóa, bão hòa, người dân Hữu Lũng cũng chuyển hướng sang trồng bạch đàn theo cách của nông dân các tỉnh lân cận. Người dân chủ yếu tập trung vào trồng rừng sản xuất. Rừng Hữu Lũng với chất đất rất phù hợp với cây bạch đàn, keo nên chu kỳ trung bình 5 năm...
LSO-Những năm gần đây, Hữu Lũng nổi lên phong trào trồng, chế biến gỗ rừng sản xuất. Từ những xưởng chế biến gỗ đã tạo giá trị gia tăng cho rừng. Cũng từ đây, nghề rừng phát triển và mang lại cho người dân một cuộc sống đủ đầy.
Nông dân xã Yên Bình chế biến gỗ rừng trồng
Gặp lại chúng tôi, anh Lương Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng khoe ngay, gỗ rừng Hữu Lũng không còn xuất bán để làm giàn giáo, cột trụ lò nữa mà được chế biến xuất khẩu sang tận Ma – Lai-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đấy là những tín hiệu vui. Niềm vui ấy bắt đầu bằng thu hút phát triển công nghiệp chế biến ngay trên địa bàn. Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi cây vải bị thoái hóa, bão hòa, người dân Hữu Lũng cũng chuyển hướng sang trồng bạch đàn theo cách của nông dân các tỉnh lân cận. Người dân chủ yếu tập trung vào trồng rừng sản xuất. Rừng Hữu Lũng với chất đất rất phù hợp với cây bạch đàn, keo nên chu kỳ trung bình 5 năm rừng đã cho thu hoạch.
Anh Hoàng Văn Thắng, nguyên trưởng thôn Ba Nàng, xã Cai Kinh còn nhớ rất rõ, khi gia đình bán lứa bạch đàn đầu tiên được 5 triệu đồng. Những năm ấy, 5 triệu là cả một gia tài, có hộ nông dân không dám nghĩ mình lại có đến 5 triệu. Khoe với họ hàng có người còn che miệng cười và chắc như đinh: “bốc phét”! Thế nhưng chỉ vài năm sau, không ít hộ trồng rừng đã có thu nhập cả trăm triệu đồng. Sản phẩm của rừng đã có nhưng chưa có điều kiện chế biến nên bà con chủ yếu xuất bán cây thô phục vụ trụ lò, giàn giáo xây dựng. Giá gỗ thô chỉ tầm 40 ngàn đồng/ cây, bằng 50% giá trị khi đã sơ chế. Do lượng gỗ nhiều lên, người làm rừng liên tục bị tư thương ép giá, thậm chí là không mua làm nhiều bãi gỗ đã khai thác bị bỏ hoang, biến thành củi. Thời điểm ấy, Ủy ban nhân dân huyện đã tích cực tìm các đối tác, chào hàng, giới thiệu sản phẩm… nhưng hiệu quả không cao.
Năm 2005, huyện đã ra nghị quyết về lãnh đạo phát triển nghề rừng, trong đó tập trung vào khâu chế biến tiêu thụ, khuyến khích các công ty đầu tư mở xưởng, nhà máy tại chỗ để tạo công ăn việc làm. Ngay sau khi có chủ trương, nhiều công ty như Hòa Việt, Việt Anh, Thịnh Lộc…đã tăng cường đầu tư vào các xưởng bóc, băm dăm, sấy, sơ chế để xuất khẩu. Cũng bắt đầu từ đây người dân không còn bị ép giá, không lo khâu tiêu thụ nên yên tâm trồng rừng. Theo anh Lương Long Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện hiện mỗi năm, Hữu Lũng phát triển được trên 1.500 ha rừng trồng, khai thác chế biến trên 10 ngàn m3 gỗ. Từ gỗ rừng trồng mang lại cho người làm rừng Hữu Lũng hàng chục tỷ đồng. Điều đó đã kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Nhận thấy lợi ích của chế biến gỗ rừng trồng tại chỗ mang lại, huyện đã tăng cường các biện pháp khuyến khích chế biến tại chỗ như: tư vấn, hỗ trợ chính sách thuế, tạo các điều kiện về vệ sinh môi trường để các xưởng hoạt động. Cho đến nay, toàn huyện Hữu Lũng đã có trên 20 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng bằng hình thức bóc, sấy, băm dăm. Anh Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Công ty chế biến gỗ Hòa Việt chia sẻ, có thời điểm, so với bán gỗ thô, giá trị sản phẩm sau sơ chế tăng 50%, trừ chi phí ít nhất lãi thêm 25% so với bán gỗ thô. Có tích lũy, đầu tư trở lại công nghệ vì thế sản phẩm gỗ sơ chế ở Hữu Lũng ngày càng có chất lượng cao. Riêng xưởng anh đã tạo 20 chỗ làm ổn định cho lao động địa phương, còn lao động thời vụ có lúc phải tuyển thêm cả chục người.
Hiệu quả từ chế biến gỗ đã tạo cho phong trào trồng rừng phát triển. Giờ đây các xã vùng sâu, vùng xa như Thiện Kỵ, Tân Lập, Hữu Liên…đâu đâu cũng ngút một màu xanh của rừng sản xuất. Từ trồng rừng không ít gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng như hộ anh Nguyễn Ngà, Nguyễn Lợi (xã Cai Kinh), Nguyễn Văn Thắng (xã Tân Lập). Đến những vùng rừng Tân Lập, Thiện Kỵ, Hòa Thắng…xưa kia là nơi thâm sơn cùng cốc nay đã chan hòa ánh điện. Những ngôi nhà sơn màu tươi mới như phố thị. Những thứ đó đều từ sản vật của rừng mà một phần được kích thích từ chế biến gỗ rừng trồng Hữu Lũng.
Đông Bắc
Ý kiến ()