Đòn bẩy cho các phong trào sinh viên
Hành trình vươn đến danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” là chặng đường nhiều thử thách, đòi hỏi ở mỗi sinh viên phải có một ý chí, nghị lực, khắc phục mọi khó khăn để khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và vai trò của thanh niên trong xã hội.
Khẳng định vai trò của trí thức trẻ
Thời gian qua, Phong trào “Sinh viên 5 tốt” do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần tạo động lực giúp sinh viên có cơ hội rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; phát hiện nhiều tấm gương điển hình, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu năng lực và nhiệt huyết trong các lĩnh vực. Phong trào được triển khai rộng rãi tại các trường đại học, cao đẳng, học viện nhằm tạo môi trường cho sinh viên trải nghiệm, trau dồi kiến thức và hoàn thiện kỹ năng.
Sau 4 năm học tập tại Trường Y Dược, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Nguyễn Thanh An, chàng sinh viên Khoa Y, đã xuất sắc là một trong 72 gương mặt “Sinh viên 5 tốt” tiêu biểu được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam vinh danh, nằm trong tốp 100 sinh viên cả nước giành Giải thưởng “Sao Tháng Giêng” 2021. Nhìn vào bảng thành tích học tập “khủng”, ít người biết được đó là thành quả của cả quá trình “leo núi” miệt mài, đầy nỗ lực của chàng trai trẻ Thanh An. Ngay từ năm đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại, Thanh An đã là cộng tác viên tham gia hỗ trợ công tác tổ chức của nhiều hội nghị y học, công nghệ lớn tại Việt Nam; là gương mặt diễn giả quen thuộc của “Chuỗi sự kiện kết nối thủ lĩnh trẻ khối ngành sức khỏe tại Việt Nam”. Sở hữu 9 đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo chuyên ngành đăng trên các diễn đàn, hội thảo ở trong và ngoài nước; tham gia viết sách, hiến kế giải pháp chống dịch theo lời kêu gọi của Bộ Y tế Việt Nam cùng nhóm Nghiên cứu chống dịch Covid-19 toàn cầu…
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19). |
Chia sẻ về hành trình này, Thanh An cho biết, khi mới bước chân vào trường, thấy các anh chị đạt “Sinh viên 5 tốt”, An không dám nghĩ mình có thể làm được. Thế rồi, trải qua không biết bao lần thất bại, cùng sự giúp đỡ của thầy cô và bạn bè, An đã kiên nhẫn, phấn đấu không ngừng nghỉ khẳng định mình. Sau tất cả những gì đã trải qua, An nhận ra thành tích không phải là điều quan trọng nhất mà chính là bản thân đã phát triển như thế nào qua quá trình đó.
“Sinh viên 5 tốt” là mô hình tiêu biểu xây dựng hình ảnh người trí thức trẻ vừa giỏi chuyên môn vừa năng động, nhiệt huyết và sáng tạo. Đồng thời còn là hành trang để sinh viên có thể vững tin bước vào cuộc sống. Đối với sinh viên Trần Bá Dương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc khẳng định bản thân, cũng như vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, học tập là điều không dễ dàng. Từng là học sinh một trường trung học phổ thông chuyên nhưng Dương vẫn bị choáng với cách học và khối lượng kiến thức ở đại học, nhất là đối với ngành đòi hỏi kiến thức hàn lâm như ngành vật lý mà em đang theo học. Dương đã phải đầu tư nhiều thời gian cho việc học. Cùng với đó, Dương vừa tích cực tham gia các phong trào đoàn, vừa lo kiếm việc làm, chia sẻ gánh nặng gia đình với mẹ cùng nuôi các em khi bố mất khả năng lao động. Kết quả ngọt ngào của những nỗ lực ấy, Dương đạt điểm trung bình năm học 4.0/4.0; giải nhất trong kỳ thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ XXIII-năm 2021; đồng tác giả bài báo khoa học được đăng trên Tạp chí Journal of Electronic Material và đoạt rất nhiều loại học bổng.
Không chỉ là danh hiệu
Thực tế, trong môi trường “Sinh viên 5 tốt”, sinh viên có động lực để phấn đấu nhiều hơn, nhưng quan trọng nhất là không chỉ dừng lại ở danh hiệu mà còn là sự trưởng thành cũng như những kiến thức, kỹ năng các bạn đã tích lũy được.
Bằng nhiều việc làm thiết thực, Hội Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tích cực góp phần thúc đẩy sinh viên tự giáo dục, rèn luyện, phát triển toàn diện và khẳng định được vai trò của trí thức trẻ. Theo chia sẻ của anh Trần Anh Dũng, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để đưa Phong trào “Sinh viên 5 tốt” tiếp cận tốt hơn tới sinh viên toàn trường, Ban Phong trào của Hội Sinh viên trường được thành lập. Ban có sứ mệnh triển khai các hoạt động tập thể, tạo môi trường cho sinh viên phát triển toàn diện theo 5 tiêu chí của “Sinh viên 5 tốt”.
Còn với Hoàng Thị Thủy, sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Tây Nguyên (Đắc Lắc), đó là hành trình vượt lên hoàn cảnh của một gia đình thuần nông, tại thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chinh phục ước mơ trở thành bác sĩ tương lai. Cô nữ sinh dân tộc Nùng cho rằng, để danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” thực sự phát huy hiệu quả, cần thành lập cộng đồng “Sinh viên 5 tốt” nhằm lan tỏa các giá trị của “thương hiệu” này đến với xã hội và các nhà tuyển dụng. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Sinh viên 5 tốt” Trường Đại học Tây Nguyên, Thủy sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai mô hình “Một sinh viên 5 tốt hỗ trợ 1-2 bạn phấn đấu đạt sinh viên 5 tốt”, khai thác các ý tưởng, cách thức triển khai Phong trào “Sinh viên 5 tốt”, chia sẻ phương pháp học tập, các tiêu chí để trở thành “Sinh viên 5 tốt”…
“Sinh viên 5 tốt” là danh hiệu hết sức cao quý, nhưng tinh thần của danh hiệu chỉ có thể thực sự thấm nhuần trên hành trình nỗ lực đến với danh hiệu này. Đây không chỉ là một đích đến mà còn là sự khởi đầu cho một hành trình phấn đấu, nỗ lực của bản thân các em trong tương lai.
Ý kiến ()