"Ðòn bẩy 135" ở Thái Nguyên
Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2 (2006-2010), cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả đáng kể trong quá trình giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 26,8% năm 2005 xuống còn 10,8% năm 2010. Tuy nhiên để Chương trình 135 thật sự đi vào cuộc sống, vẫn cần phải nỗ lực cao hơn.Đã lâu chúng tôi mới có dịp trở lại Yên Trạch, xã vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn nhất, đồng thời là địa phương có số hộ nghèo cao nhất của huyện Phú Lương. Lần trở lại này, cảnh vật đã nhiều đổi thay, con đương đầy ổ gà, lầy lội trước đây nay đã là đường trải nhựa. Nhiều ngôi nhà mới xây lợp mái ngói, mái đổ bê-tông còn sáng mầu sơn. Chúng tôi thấy bà con nông dân hằng ngày sử dụng điện thoại di động để giao dịch bán sản phẩm nông nghiệp cho tư thương ngoài phố... Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tý cho biết: Đời sống của người dân xã Yên Trạch...
Đã lâu chúng tôi mới có dịp trở lại Yên Trạch, xã vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn nhất, đồng thời là địa phương có số hộ nghèo cao nhất của huyện Phú Lương. Lần trở lại này, cảnh vật đã nhiều đổi thay, con đương đầy ổ gà, lầy lội trước đây nay đã là đường trải nhựa. Nhiều ngôi nhà mới xây lợp mái ngói, mái đổ bê-tông còn sáng mầu sơn. Chúng tôi thấy bà con nông dân hằng ngày sử dụng điện thoại di động để giao dịch bán sản phẩm nông nghiệp cho tư thương ngoài phố… Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ma Văn Tý cho biết: Đời sống của người dân xã Yên Trạch được như hôm nay, nhờ Chương trình 135 của Chính phủ được triển khai có hiệu quả. Vì thế cán bộ, nhân dân xã Yên Trạch coi chương trình 135 như chiếc 'đòn bẩy' kinh tế, mở ra hướng làm ăn mới, giúp cho cuộc sống của người dân ngày càng khá hơn.
Chương trình 135 được triển khai tại xã Yên Trạch đã đi vào cuộc sống của người dân và phát huy được hiệu quả kinh tế – xã hội. Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nông Văn Trân sau nhiều lần về xã Yên Trạch đã nhận xét: Cái được lớn nhất ở Chương trình 135 là người dân ở đây chuyển đổi được tập quán canh tác, từ sản xuất phụ thuộc tự nhiên sang sản xuất chủ động, như về thời vụ, giống cây trồng, phân bón, đặc biệt là nước tưới… Trưởng xóm Na Hiên Nguyễn Đình Khôn cho biết: Trước đây, bà con cho rằng Chương trình xây dựng kênh mương là những công trình của Nhà nước thì Nhà nước phải làm. Để bà con thông suốt tư tưởng, các xóm Na Hiên, Na Pháng, Na Mẩy, Bản Héo đã có nhiều cuộc họp tuyên truyền về lợi ích của Chương trình 135. Mưa lâu thấm dần, bà con đã tích cực tham gia đối ứng theo quy định của Nhà nước. Các cán bộ làm việc tại UBND xã, cho biết thêm: Trong ba năm gần đây, nhờ Chương trình 135 người dân xã Yên Trạch có ba công trình thủy lợi: Na Hiên N1-2; Na Hiên N2-1 và công trình kênh mương Na Pháng, với tổng vốn 1 tỷ 89 triệu đồng. Các công trình này bảo đảm nước tưới cho gần 70 ha lúa hai vụ, tăng gần 10 ha so với trước khi có công trình. Năng suất lúa cũng tăng từ 38 tạ/ha (năm 2008) lên 42 tạ ha/(năm 2010).
Bên đám ruộng mơn mởn xanh ở cánh đồng Na Hiên, chúng tôi gặp các bác: Mạc Văn Khuyên, Mạc Văn Đạm và Lý Thị Kim Cúc đang trò chuyện với nhau về giá giống lúa mới, giá công thuê thợ cày, bừa đất… Tôi hỏi vui: -Sắp 'tháng ba ngày tám' rồi, trong xóm có nhà ai thiếu lương thực không? Các bác nông dân trả lời: – Bây giờ nông dân Yên Trạch chưa mua được ô-tô đi chơi thôi, chứ thóc lúa trong nhà thì ăn qua luôn cữ giáp hạt chưa hết. Cũng nhờ Chương trình 135, xã có hàng nghìn lượt người được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất để mua máy bơm nước, trâu sinh sản, máy chế biến chè, giống cây trồng, giống vật nuôi… Hiện trong xã đã có nhiều hộ chuyển đổi đất ngô, sắn sang trồng bí xanh. Hỏi chuyện làm ăn, ông Nông Văn Đạo, xóm Làng Nông nói với chúng tôi: Từ các mô hình sản xuất lúa giống mới, ngô lai, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm… chúng tôi được nâng cao trình độ canh tác, sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
Ông Nguyễn Trọng Luyến, xóm Na Pháng dẫn chúng tôi ra chợ đình, bảo: Gần ba năm nay, dân xã có gì bán, hoặc cần mua sắm gì, ra chợ 135 này đều có cả… Chương trình 135 đã làm đổi thay nhanh chóng cuộc sống của người dân xã Yên Trạch. Nhất là khi trường THCS, trường mầm non được đầu tư xây dựng tại xã con em trong xã không phải ngồi học trong những ngôi nhà dột nát.
Yên Trạch là một trong 44 xã thuộc Chương trình 135 ở Thái Nguyên hoàn thành tương đối khá các mục tiêu đề ra trong chương trình. Ngoài Yên Trạch các xã còn lại cũng đã có những chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói nghèo. Tuy nhiên một số chỉ tiêu, mục tiêu chương trình chưa đạt yêu cầu đề ra: Trong đó có một số nguyên nhân chính là do điểm xuất phát về kinh tế – xã hội vùng núi quá thấp, địa hình phức tạp, dân cư phân tán, trình độ sản xuất quảng canh, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Từ năm 2006-2010, tổng kinh phí ngân sách T.Ư đầu tư cho Chương trình 135 giai đoạn 2 tại Thái Nguyên là hơn 321 tỷ 981 triệu đồng. Mức vốn đầu tư này cho mỗi đơn vị cấp xã thụ hưởng là quá thấp, chưa cân đối với mục tiêu và chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Hơn nữa, thời gian cấp vốn thực hiện một số dự án chậm, ảnh hướng đến tiến độ thực hiện. Việc huy động nguồn lực tại chỗ đối với các xã hưởng chương trình 135 rất hạn chế. Các công trình đầu tư trong giai đoạn 2 chủ yếu dành cho xóm, bản, cho nên đường giao thông khó khăn, chi phí vận chuyển vật liệu cao, trong khi giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là hộ nghèo, trình độ hạn chế lại sống phân tán, mức hỗ trợ thấp cho nên chưa đủ điều kiện để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để các xã thuộc Chương trình 135 thoát nghèo nhanh, bền vững hơn, tỉnh Thái Nguyên cần được cấp vốn kịp thời hơn so với trước. Đồng thời cần sự phối hợp đồng bộ trong đề xuất, triển khai thực hiện chinh sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn; có quy định, hướng dẫn cụ thể từ T.Ư về việc lồng ghép các nguồn vốn cùng thực hiện trên địa bàn xã.
Theo Nhandan
Ý kiến ()