tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2046/edbb350dcd369b89a7f641c3bd3bed1d_L.jpg” border=”0″ alt=”Công nhân đội thi công cầu thiện nguyện nối nhịp cầu.” /> Chỉ cần chưa tới nửa ngày đã ráp xong cây cầu dài gần 40 m, có thể đưa vào sử dụng ngay. Chi phí xây dựng rẻ hơn rất nhiều so với cầu treo, chưa bằng một phần ba so với cầu sắt truyền thống nhưng chất lượng không thua kém. “Kỹ sư” thi công cầu đều là những nông dân thứ thiệt… Ðó là nét ấn tượng về đội thi công cầu thiện nguyện ở xã vùng sâu Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).
Từ người bán dạo…
“Em là nhà báo hả? Anh có đội thi công cầu hay lắm. Buổi sáng bắc cầu là đến trưa xe chạy qua được rồi”. Lời giới thiệu làm quen của anh Lê Văn Cư (thường gọi Ba Ðạt), một nông dân ở ấp Ninh Phước (xã Lương An Trà), khiến tôi cảm thấy bị hấp dẫn nhưng vẫn còn bán tín bán nghi. Ðể kiểm chứng thông tin, tôi hẹn gặp ở nhà anh…
Nơi ở của Ba Ðạt không khó tìm. Chỉ cần đến chợ Cống Ranh, khu vực tiếp giáp giữa huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) và huyện Hòn Ðất (tỉnh Kiên Giang) trên tuyến đường Tri Tôn – Vàm Rầy, hỏi tên anh thì ai cũng biết. Ba Ðạt có một cửa hàng lớn chuyên kinh doanh các thiết bị cơ khí, điện máy phục vụ nông nghiệp. Anh còn có mấy nền nhà ở hai bên cầu Ninh Phước (còn gọi là cầu Cống Ranh) cùng vài trăm công ruộng ở xã Lương An Trà và huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang). Cơ nghiệp đồ sộ là vậy nhưng ít người biết xuất thân của Ba Ðạt là một thợ hồ, phiêu bạt khắp nơi để làm thuê kiếm sống. Khi dắt díu vợ con về Lương An Trà lập nghiệp năm 1998, Ba Ðạt chỉ có trong tay tài sản duy nhất là chiếc ghe bán hàng dạo dưới sông. Thời điểm này, dân cư ở Lương An Trà còn thưa thớt, nông dân không mấy mặn mà với đồng ruộng do đất đai bị nhiễm phèn nặng. Ba Ðạt tích cóp vốn liếng rồi mua đất sang tay với những nông dân khác, ra sức cải tạo đất để canh tác lúa. Cũng như những nông dân có lòng kiên trì ở vùng này, ruộng đất của Ba Ðạt ngày càng được mở rộng. Lúa canh tác từ một vụ rồi lên hai vụ, ba vụ/năm. Bên cạnh làm ruộng, Ba Ðạt mạnh dạn chuyển qua mở cửa hàng kinh doanh và cũng đạt được thành công.
… trở thành “kỹ sư” cầu
“Cuộc sống có được hôm nay cũng nhờ những con người ở vùng đất này giúp đỡ mình. Tôi cứ canh cánh trong lòng là phải làm gì để trả nghĩa cho quê hương? Lúc đầu tôi cho tiền, cho gạo bà con nhưng thấy họ vẫn cứ nghèo. Tôi nghĩ, phải nhanh chóng xây dựng những cây cầu nối những tuyến đường nông thôn, nối liền bờ kênh để bà con thuận tiện khi đi lại và vận chuyển nông sản thì đời sống họ mới khá lên được”, Ba Ðạt chia sẻ.
Thế là anh đã lặn lội đi nghiên cứu nhiều nơi để học hỏi cách xây cầu. Anh nhận thấy cầu treo dây văng tuy có giá thành rẻ nhưng độ bền không cao, thời gian thi công cũng mất cả tháng, còn cầu sắt mạ kẽm có thời gian sử dụng lâu hơn nhưng chi phí khá cao. Riêng đối với cầu
bê-tông cốt thép được xem là ưu việt nhưng để bắc được một cây cũng tốn vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, khó triển khai được nhiều ở các vùng nông thôn nghèo. Sau thời gian mày mò, anh đã nghĩ đến cây cầu sử dụng ống sắt tròn làm khung, lót vỉ sắt, không cần dùng dây văng nhưng vẫn đạt được độ ổn định. Chi phí cho cây cầu này rẻ hơn cầu treo nhưng có thời gian sử dụng không thua gì cầu sắt truyền thống. Ưu điểm nổi bật của cầu là thời gian lắp ráp rất nhanh vì thiết bị được làm sẵn, chỉ cần chở đến địa điểm thi công để đấu nối lại với nhau.
Vốn kinh doanh trong ngành cơ khí, anh Ðạt biết cách lấy nguồn sắt giá rẻ, tận dụng nhân công nhà để hàn cắt, chế tạo khung cầu, vỉ sắt nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Năm 2008, anh thử nghiệm bắc cây cầu đầu tiên ở ấp Cây Gòn (xã Lương An Trà) với chiều dài 17 m, ngang 1,2 m, sử dụng ống sắt đơn (1 thanh trên và 1 thanh dưới cho mỗi bên). Cầu lót ván gỗ với kinh phí xây dựng chỉ có… 6 triệu đồng nhưng đến nay vẫn còn sử dụng tốt. Từ cây cầu đầu tiên, Ba Ðạt đã rút kinh nghiệm xây dựng cầu bằng ống sắt đôi để đạt độ vững chãi. Ðồng thời, hoàn thiện một số công đoạn khác để cầu trông bắt mắt và bền hơn. Ðến nay, có khoảng 50 cây cầu giá rẻ đã được Ba Ðạt thi công ở nhiều vùng quê trong và ngoài tỉnh An Giang. Ðể giảm bớt tiền đóng góp của người dân địa phương, mỗi cây cầu anh Ba tài trợ chi phí từ 10 đến 20%, không tính tiền công, ăn uống. Ðồng thời, vận động các nhà hảo tâm khác tiếp sức cho công trình.
Nối những bờ vui
Tôi có dịp theo đội thi công của Ba Ðạt vào bắc cầu ở ấp Thái Thịnh (xã Mỹ Thái, huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang). Cây cầu có chiều dài 38 m, bắc ngang kênh 10, tạo thuận lợi cho hơn 110 hộ dân đi lại, vận chuyển nông sản. Phó Trưởng ấp Thái Thịnh Trần Hữu Nghĩa, cho biết, với công trình này, Ba Ðạt chỉ tính chi phí vật liệu có 130 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với xây cầu treo, nhưng anh đã nhận tài trợ 20 triệu đồng tiền khung. Nhân công do Ba Ðạt dẫn theo xây cầu cũng tự mang theo cơm, thức ăn, không phiền bà con phải đãi ăn uống. Phần hỗ trợ đưa cầu lên ráp, xây dựng mang cá, trụ đỡ cầu do người dân địa phương đảm nhận. “Từ thuở cha sanh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa thấy cây cầu nào bắc nhanh đến vậy. Tám giờ sáng họ chở vật liệu đến và tiến hành thi công. Các công đoạn ráp nối, hàn vỉ sắt vào thân cầu, cố định vị trí… được tiến hành khẩn trương. Ðến 3 giờ chiều thì đã thông xe. Thấy cây cầu sắt dựng lên trong ngày, ai cũng bất ngờ bởi nếu làm cầu gỗ cũng mất cả tuần, cầu treo phải mất cả tháng. Xây dựng nông thôn mới thì chọn loại cầu này là chính xác rồi”, ông Nghĩa chia sẻ.
Sau khi cây cầu đầu tiên được hoàn thành, lãnh đạo xã Mỹ Thái liền đặt hàng Ba Ðạt làm thêm hai cây cầu nữa nhằm thay thế hoàn toàn cầu khỉ. Ba Ðạt cho biết, với những cây cầu từ 25 đến 30 m, đội của anh còn mất nửa ngày thi công chứ những cây cầu ngắn hơn thì chỉ cần 2 – 3 giờ đồng hồ là thông xe. “Ðối với cầu ngắn, không cần phải bắt ốc nối hai nhịp lại với nhau nên chỉ cần chở khung cầu tới rồi đặt lên mang cá, hàn vỉ sắt là xong”, Ba Ðạt tỏ ra tự tin. Với cầu dạng này, chi phí xây dựng chỉ vài chục triệu đồng nhưng thời gian sử dụng không dưới 15 năm.
Ði đến đâu, đội thi công cầu của Ba Ðạt cũng được bà con và chính quyền địa phương ủng hộ bởi đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân nông thôn: Chi phí xây dựng rẻ, độ bền cao, mẫu mã đẹp và quan trọng hơn là thời gian thi công rất nhanh, không “rùa bò” như nhiều công trình khác. Ba Ðạt cho biết, hiện nay đã có một số ngân hàng, nhà hảo tâm nhận tài trợ một phần chi phí xây cầu để anh thỏa mãn nguyện vọng nối nhịp vui ở các miền quê. “Họ đề nghị anh nên thành lập đội xây cầu từ thiện có tên gọi chính thức để dễ tài trợ. Nhà báo nghĩ dùm anh cái tên được không?”. Một thoáng phân vân, tôi đề nghị: “Hay anh lấy tên là “Ðội thi công cầu nông thôn mới” đi”.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()