Ðối thoại với người lao động
Tranh chấp lao động, hầu hết, đều bắt nguồn từ những bất đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nguyên nhân sâu xa, là từ sự thiếu cảm thông, chia sẻ của cả hai phía. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến chậm lương, nợ lương, người lao động không được thông báo rõ ràng. Việc điều chỉnh thời gian làm việc, chế độ tăng ca, quy chế thưởng - phạt... người lao động không được biết, không được hỏi ý kiến, cho nên khi nội quy, chính sách đưa ra bị phản ứng, thậm chí đối đầu gay gắt.
Một số vụ tranh chấp lao động mới đây tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã chứng minh điều đó. Không ít trường hợp, người lao động sau khi đối thoại với người sử dụng lao động đã cho rằng, nếu công ty chủ động chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động, sự việc không diễn biến phức tạp như thế; nếu doanh nghiệp chủ động đối thoại với người lao động, hiểu nguyện vọng, tâm tư của người lao động thì cách giải quyết sẽ đơn giản hơn. Ðiển hình như tại Công ty TNHH Quốc tế All Wells Việt Nam (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành), khi gần 600 công nhân nghỉ việc, yêu cầu công ty giải thích việc điều chỉnh cách tính lương mới mà công ty áp dụng, khi ấy, lãnh đạo công ty mới thật sự chia sẻ những khó khăn công ty đang gặp phải, đồng thời đề ra những giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động, giúp công nhân yên tâm sản xuất. Hay mới đây, ngày 4-5, hàng chục công nhân đã kéo về trụ sở chính của Công ty cổ phần Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí, căng băng-rôn đòi trả lương. Khi gặp được lãnh đạo công ty, nắm được những khó khăn của đơn vị, cũng như những giải pháp phía công ty sẽ triển khai, người lao động đã yên tâm, tiếp tục sản xuất.
Thực tế cho thấy, đối thoại định kỳ là giải pháp tốt nhất, tháo gỡ những xung đột trong quan hệ lao động, tránh mọi hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thế nhưng, còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng công tác này. Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 50% số doanh nghiệp thực hiện và duy trì tốt công tác đối thoại định kỳ và có thể nói, đây đều là những doanh nghiệp hoạt động bài bản, hiệu quả. Số còn lại, hoặc phớt lờ hoặc không nắm được những quy định của pháp luật, tự cho mình quyền quyết định mọi vấn đề của doanh nghiệp. Về phía người lao động, do không nắm vững các quy định pháp luật, không chủ động đề xuất, hoặc thông qua người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình là tổ chức công đoàn, đề xuất đối thoại với chủ doanh nghiệp, để tìm phương hướng giải quyết những mâu thuẫn phát sinh. Chỉ đến khi cảm thấy quá thiệt thòi về quyền lợi mới tự phát lãn công.
Sự khác biệt trong nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động là điều không thể tránh. Duy trì và phát triển hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là điều mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng mong muốn. Bộ luật Lao động, các văn bản dưới luật đều quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong công tác đối thoại định kỳ. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức của những người thực hiện.
Theo Nhandan
Ý kiến ()