Ðối thoại về phòng, chống tham nhũng tại địa phương
Ngày 6-12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tại Việt Nam, tổ chức Đối thoại về PCTN lần thứ 11 với chủ đề "Công tác PCTN tại địa phương: Thực trạng và giải pháp". Đến dự, có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư; đại diện Đại sứ quán Vương quốc Anh, các tổ chức, các nhà tài trợ quốc tế.Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, công tác PCTN tại các địa phương trong năm năm, giai đoạn 2007-2012 đã đạt kết quả nhất định và có bước chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, do vậy tham nhũng từng bước được kiềm chế trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung công tác PCTN tại các địa phương chưa đạt yêu...
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN, công tác PCTN tại các địa phương trong năm năm, giai đoạn 2007-2012 đã đạt kết quả nhất định và có bước chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ, do vậy tham nhũng từng bước được kiềm chế trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, nhìn chung công tác PCTN tại các địa phương chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng.
Các đại biểu cho rằng, để công tác PCTN đạt hiệu quả cao, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các hành vi tham nhũng; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về PCTN, nhất là tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi toàn diện Luật PCTN. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN tại địa phương. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động PCTN. Đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia giám sát của các tổ chức, đoàn thể, người dân và báo chí trong công tác PCTN.
Tại cuộc đối thoại, đại diện các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong công tác PCTN, đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với quyết tâm đẩy lùi tham nhũng của Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tham nhũng đã trở thành thách thức toàn cầu và đấu tranh với tham nhũng là cuộc chiến lâu dài, cần có sự hợp tác của tất cả các quốc gia, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam, chính quyền các cấp, các bộ, ngành địa phương quyết tâm thực hiện công tác PCTN mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa bằng những hành động kịp thời.
Phó Thủ tướng cho biết, hơn một năm qua, Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động tổng kết, đánh giá toàn diện công tác PCTN. Qua đó, làm rõ bức tranh tổng thể về thực trạng, nhất là những mặt còn hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN, đồng thời là cơ sở để Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định những chính sách, giải pháp quan trọng về PCTN trong thời gian tới.
Đề cập công tác PCTN tại các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị, các đại biểu cần tập trung đối thoại nhằm làm rõ thực trạng, nhất là những mặt còn yếu kém, từ đó đề xuất giải pháp gắn với đặc thù của công tác PCTN ở địa phương. Các cơ quan chức năng, địa phương cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm, xem xét khả năng vận dụng phù hợp điều kiện thực tiễn. Đối với những điển hình tốt của các địa phương, cần có sự đánh giá xây dựng mô hình chuẩn để triển khai nhân rộng thời gian tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()