Đối thoại Hải quan và doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn
Ngành hải quan khuyến khích cộng đồng DN hợp tác xây dựng cơ quan hải quan ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cơ quan hải quan đã chủ động, tích cực thành lập các kênh kết nối để cộng đồng DN có thể kịp thời phản ánh, góp ý đối với hoạt động của cơ quan hải quan các cấp.
Tổng cục Hải quan tổ chức tọa đàm với chủ đề “Hải quan – doanh nghiệp (DN): Kết nối – chia sẻ – đồng hành” vào ngày 21/6.
Đối thoại hải quan doanh nghiệp ngày càng tích cực. |
Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để Tổng cục Hải quan có những cải cách mạnh mẽ theo hướng tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động giao thương qua biên giới. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan quan tâm thiết lập quan hệ đối tác thường xuyên với hiệp hội DN và các DN.
Quá trình triển khai các hoạt động cải cách, hiện đại hóa, đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác, đồng hành, cơ quan hải quan các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động đối tác với cộng đồng DN dưới nhiều hình thức khác nhau, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng DN. Các hoạt động đối tác hải quan – DN, trong những năm gần đây, đã có sự đổi mới về cách làm, đi vào chiều sâu, thiết thực và gắn bó với DN.
Các cuộc đối thoại, tham vấn giữa hải quan – DN từng bước được chuyển biến về cách thức tổ chức, để thực sự trở thành công cụ hữu ích trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh. Ngành hải quan cũng rất quan tâm khuyến khích cộng đồng DN hợp tác xây dựng cơ quan hải quan ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cơ quan hải quan đã chủ động, tích cực thành lập các kênh kết nối để cộng đồng DN có thể kịp thời phản ánh, góp ý đối với hoạt động của cơ quan hải quan các cấp.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm xây dựng một Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, công tác cải cách hiện đại hóa hải quan ngày càng được mở rộng, đồng bộ ở tất cả các khâu nghiệp vụ hải quan và đi vào chiều sâu: từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đổi mới, hiện đại hóa chế độ, chính sách, quy trình thủ tục hải quan theo chuẩn mực quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật phương tiện hiện đại cho tới sắp xếp tổ chức bộ máy hải quan, đổi mới phương thức quản lý cán bộ, đẩy mạnh quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp.
Xuất phát từ quan điểm trên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, để hoàn thành các mục tiêu do Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan hải quan, cần có sự chung tay, đồng hành của các bộ, ngành liên quan, sự góp sức của cộng đồng DN.
“Cơ quan hải quan cải cách hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa, lắng nghe hơn nữa để đồng hành với DN vì mục tiêu chung tạo thuận lợi thương mại, vì sự phát triển của DN để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.
Đại diện ngành Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã đối thoại thẳng thắn với nhiều ý kiến trao đổi và giải đáp giữa hải quan và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, các DN thủy sản luôn nhận được sự hỗ trợ của từ phía Tổng cục Hải quan. VASEP luôn được cơ quan hải quan mời tham dự các chương trình góp ý xây dựng văn bản pháp luật liên quan đến XNK và thấy những đóng góp ý kiến của DN nhận được sự cầu thị của cơ quan hải quan.
Để tạo thuận lợi cho DN, tháo gỡ vướng mắc cho DN, cơ quan hải quan đã tiếp thu ý kiến, đưa hàng hóa gia công sản xuất xuất khẩu (SXXK) vào một danh mục trong quy định. Đặc biệt, cơ quan hải quan cũng đã đưa vào Luật thuế Xuất nhập khẩu (XNK) một chương mục quy định đối với hàng nhập nguyên liệu vật tư SXXK được miễn thuế.
Còn ông Đào Huy Giám – Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam cũng đánh giá, ngành Hải quan đã có bước thay đổi toàn diện trong những năm qua, khi không ngừng cải cách hiện đại hóa, ứng dụng thiết bị hiện đại phục vụ kiểm tra, giám sát hoạt động XNK, xuất nhập cảnh; ứng dụng khai hải quan điện tử, cho phép DN có thể khai hải quan mọi nơi, mọi lúc…
Cũng theo ông Giám, cơ quan hải quan cần tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động của DN thông qua việc cải cách chương trình DN ưu tiên về hải quan để ngày càng có nhiều DN được tham gia; phát triển đại lý hải quan để thực sự hỗ trợ đắc lực cho hoạt động khai báo, hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa của DN XNK.
“Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quá trình thông quan hàng hóa XNK liên quan đến vấn đề quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK. Do vậy, lãnh đạo các cấp cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTCN, đồng thời cần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của đại lý hải quan; hiệu quả công tác kiểm tra chất lượng, cấp chứng chỉ đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan cùng với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc cho DN về thủ tục kiểm tra chuyên ngành”, ông Giám nói.
“Cần phát triển thêm nhiều đại lý hải quan để phát triển quan hệ đối tác với DN, cơ quan hải quan có thể thiết lập cơ chế trao đổi thường xuyên với các hiệp hội DN theo tháng, theo quý, kịp thời xử lý những yêu cầu, phát sinh từ thực tiễn quản lý của cơ quan hải quan cũng như hoạt động XNK của DN…”, ông Giám đề nghị.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã thẳng thắn giải đáp, ghi nhận những ý kiến từ phía cộng đồng DN và cho biết, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục cải cách tạo thuận lợi hơn nữa cho DN theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
“Tôi cũng mong muốn cộng đồng DN cùng đồng hành với cơ quan hải quan trong việc thực hiện, tuân thủ tốt chính sách của nhà nước liên quan đến hoạt động XNK, xuất nhập cảnh. Khi phát hiện biểu hiện tiêu cực của cán bộ công chức hải quan, DN có thể phản ánh qua các kênh thông tin, đường dây nóng đã được thiết lập công khai nhiều năm qua…”, ông Nguyễn Văn Cẩn đề nghị.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong năm 2018, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp để mở rộng thực hiện trao đổi e-C/O với các nước ASEAN còn lại cũng như tiếp tục đàm phán và chuẩn bị việc kết nối, trao đổi thông tin về e-C/O với Liên minh kinh tế Á-Âu và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam; thúc đẩy thực hiện công nhận kết quả kiểm tra lẫn nhau về hàng hóa xuất khẩu, trao đổi chứng từ thương mại bằng phương thức điện tử. Đây là những giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ đắc lực cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, rút ngắn thời gian thông quan, giảm thời gian chờ đợi của hàng hóa xuất khẩu trong quá trình làm thủ tục.
Thống kê cho thấy, tính đến nay, trên địa bàn cả nước cơ quan hải quan đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác với 232 DN để xây dựng đối tác thường xuyên làm lực lượng nòng cốt trong hoạt động đối tác hải quan – DN; đã ký 1701 văn bản cam kết với DN trong hỗ trợ, giám sát thực thi pháp luật với các DN; 52 văn bản thỏa thuận hợp tác với hiệp hội DN.
Được biết, tính riêng trong năm 2017, cơ quan hải quan đã tổ chức 53 hội nghị DN, 89 cuộc đối thoại định kỳ với người khai hải quan, người nộp thuế về nhiều chủ đề thời sự, được cộng đồng DN hưởng ứng.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()