Đối thoại, gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải
Ngày 20-7, buổi đối thoại trực tuyến nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp (DN) vận tải do Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng và bốn Thứ trưởng chủ trì đã thu hút sự quan tâm của đông đảo DN. Hàng loạt bất cập về luồng tuyến xe khách, sức khỏe lái xe, cấp bằng lái,... mà DN chất vấn cơ quan quản lý ngành đã được giải đáp, tháo gỡ tại hội nghị. Từ đầu năm đến nay, nhiều cuộc đối thoại với DN đã được tổ chức, lần nào không khí cũng hết sức căng thẳng, chứng tỏ đây luôn là vấn đề "nóng" và nhiều vướng mắc của DN chưa hẳn đã được giải tỏa hết.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo hết sức quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN, nhằm thúc đẩy DN hoạt động, kinh doanh đúng pháp luật, đưa kinh tế – xã hội phát triển. BỘ GTVT luôn lắng nghe, tiếp thu và sẽ giải đáp đầy đủ các thắc mắc của DN bởi hiệu quả hoạt động của DN cũng chính là hiệu quả của quản lý nhà nước, của ngành GTVT.
Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, cơ chế chính sách đã ban hành, nhưng nếu không thúc đẩy thực hiện sẽ không đến được với DN. Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ đã tổ chức ba hội nghị theo khu vực nhằm xây dựng, quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ, hướng dẫn và thúc đẩy cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa bến xe và phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Hàng trăm DN vận tải và bến xe bước đầu được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, về vay vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả cho chính DN. Cũng với mục tiêu đồng hành cùng DN, ngay sau khi DN vận tải bằng công-ten-nơ phản ánh gặp khó khăn trong tuyển dụng lái xe có bằng FC và kiểm soát tải trọng phương tiện, ngày 14-7-2015, BỘ GTVT đã ban hành thông tư tháo gỡ khó khăn về đào tạo lái xe FC. Đồng thời, báo cáo Chính phủ tạm thời chưa áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục của xe ô-tô chở hàng hóa. Đây có thể nói là những giải pháp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho các DN vận tải nâng cao hiệu quả kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vụ trưởng Vận tải Trần Bảo Ngọc cho biết, trong sáu tháng qua, lãnh đạo BỘ GTVT đã chủ trì 18 hội nghị thuộc tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa và hàng hải để trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi cùng DN theo từng chuyên đề và lĩnh vực như vận tải biển, cảng biển; vận tải đường bộ và kiểm soát tải trọng phương tiện; dịch vụ logistics; quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đường bộ;… Điển hình, các DN, HTX kinh doanh vận tải tuyến cố định trên quốc lộ 70 gặp vướng mắc về cấp, loại đường đã được giải quyết. Các cơ quan tham mưu của Bộ đã kịp thời đề xuất biện pháp tạo điều kiện ổn định kinh doanh cho DN ta-xi; giải quyết các kiến nghị về thu phụ phí của hãng tàu nước ngoài; hàng hóa tồn đọng tại cảng biển,… Toàn bộ công tác chỉ đạo điều hành hoạt động vận tải cũng được Bộ triển khai quyết liệt.
Lực lượng chức năng kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Tuy nhiên, DN vận tải vẫn còn gặp nhiều rào cản về chất lượng dịch vụ, môi trường kinh doanh. Vận tải đường bộ vẫn diễn biến phức tạp về ATGT, chưa thật sự kiểm soát được tình trạng xe quá tải, quá trình tái cơ cấu vận tải triển khai thực hiện còn chậm; ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải đường bộ và đường thủy rất lạc hậu,…
“Quản” lái xe cách nào hiệu quả?
Một trong những vấn đề khiến nhiều DN băn khoăn là quy hoạch luồng tuyến và khám sức khỏe lái xe. Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Điện Biên Nguyễn Quốc Mạnh nhận định, cơ chế quản lý về quy hoạch luồng tuyến, khám sức khỏe lái xe, cấp giấy phép lái xe giường nằm,… vẫn đang tồn tại nhiều “nút thắt”, tưởng “chặt” lại hóa “lỏng”, gây khó khăn cho hoạt động của đơn vị vận tải. Theo ông Mạnh, thời hạn khám sức khỏe cho lái xe là sáu tháng, cần tăng lên thành một năm. Theo quy định, lái xe điều khiển xe khách giường nằm cần có ít nhất ba năm kinh nghiệm, song chưa chắc đã cầm vô-lăng lái xe giường nằm bao giờ. Vì thế, nên giảm quy định xuống một năm kinh nghiệm, nhưng tập trung siết chặt công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe và tích lũy số km an toàn thực tế,… để các cơ quan Nhà nước kiểm tra, hậu kiểm, tránh tình trạng lái xe hay DN đối phó. Một vấn đề khác, Điều 11, Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô quy định, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp bảo hiểm cho người lao động. Nhưng trên thực tế, số đơn vị vận tải chấp hành quy định này chiếm tỷ lệ rất thấp. Tại tỉnh Điện Biên, có tám DN vận tải, nhưng số lái xe được DN nộp bảo hiểm chỉ chiếm 5%.
Theo đại diện nhiều DN vận tải, các tuyến vận tải khách liên tỉnh khi được chấp thuận tuyến phải có ý kiến của các địa phương, nên thủ tục thường “chậm như rùa bò” và rất phiền hà. Vì thế, nhiều đơn vị kiến nghị chỉ cần đăng ký một trong hai nơi đi và nơi đến là đủ. Đồng quan điểm, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập cho rằng, quy hoạch luồng tuyến là mối quan tâm, bức xúc lớn của DN vận tải, trong đó có câu chuyện chấp thuận tuyến giữa hai SỞ GTVT của nơi đi và đến. Quy hoạch luồng tuyến chính là nhằm xóa bỏ thủ tục chấp thuận tuyến của hai SỞ GTVT này. Nếu xóa bỏ được thì tháo gỡ cho các DN rất nhiều vướng mắc, giảm bớt chi phí, thủ tục. Trước kiến nghị này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng “truy” lãnh đạo các sở GTVT địa phương có cần có ý kiến xác nhận chấp thuận tuyến của hai sở không? Phó Giám đốc SỞ GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh quả quyết, cần có sự thống nhất giữa các sở GTVT vì đây là đầu mối cuối cùng quản lý các luồng tuyến chạy theo đúng quy hoạch. Trên tuyến, biểu đồ vận tải sẽ có nhiều đơn vị vận tải tham gia, nếu nhiều DN đăng ký chạy cùng luồng tuyến, sẽ phá vỡ quy hoạch. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của hai “đầu” và các sở chính là trọng tài để can thiệp. Tuy nhiên, phản bác quan điểm này, Bộ trưởng GTVT khẳng định: “Nhà nước có trách nhiệm công bố quy hoạch luồng tuyến, doanh nghiệp đăng ký hoạt động, không cần thiết phải có xác nhận của SỞ GTVT. Sở chỉ cần thực hiện hậu kiểm, nếu DN không bảo đảm theo yêu cầu sẽ bị quyết định dừng hoạt động. BỘ GTVT điều chỉnh theo hướng bỏ việc DN phải đăng ký xin phép với hai sở GTVT nơi đi/đến và sẽ ra văn bản ngay trong thời gian tới”. Ngoài ra, với lái xe khách giường nằm, BỘ GTVT sẽ nghiên cứu theo hướng giảm thời gian kinh nghiệm, cùng với siết chặt đào tạo đầu ra. Việc khám sức khỏe lái xe, quy định tăng thời hạn lên một năm nhưng phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc.
Lãnh đạo BỘ GTVT cho biết, Bộ đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện Năm ATGT 2015 với mục tiêu “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, sẽ giao Vụ Vận tải rà soát lại chức năng nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra nhằm loại bỏ “xe dù”, “bến cóc”, khuyến khích xã hội hóa đầu tư bến xe. Đối với hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, Bộ đang chỉ đạo khắc phục, phần lớn những vị trí hằn lún đang trong quá trình hoàn thiện, chưa thu phí. Những đoạn hằn lún đã thu phí, Bộ yêu cầu phải khắc phục dứt điểm; nếu không hoàn thành, sẽ yêu cầu dừng thu phí, khi nào xong mới được thu phí trở lại,…
Người đứng đầu ngành GTVT cũng hoan nghênh và đánh giá cao sự ủng hộ của hầu hết các DN về siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe. Năm nay, ngành GTVT chủ trương “Vì sự hài lòng hơn của người dân và DN”, do đó, các kiến nghị của DN nêu, Bộ sẽ tiếp thu đầy đủ, một số kiến nghị sẽ được trả lời trực tiếp bằng văn bản ngay trong ngày nhằm đem lại sự hài lòng, thuận lợi nhất cho DN.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()