Đối thoại chính sách nông nghiệp cao cấp Việt Nam-Australia
Đây là cuộc đối thoại chính sách nông nghiệp cao cấp đầu tiên giữa hai Bộ nhằm xây dựng các mối quan hệ hợp tác về sản xuất, thương mại nông sản, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Ngày 22/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia David Parker đã đồng chủ trì đối thoại chính sách nông nghiệp Việt Nam và Australia.
Đây là cuộc đối thoại chính sách nông nghiệp cao cấp đầu tiên giữa hai Bộ nhằm xây dựng các mối quan hệ hợp tác về sản xuất, thương mại nông sản, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nông nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và môi trường ở Việt Nam. Việt Nam và Australia đều là quốc gia sản xuất và xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp.
Australia luôn là đối tác quan trọng trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Nhiều chương trình hợp tác lớn đã và đang được thực hiện như: Nước sạch nông thôn, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở ĐBSCL và vùng ven biển.
“Bộ NN&PTNT mong muốn Australia tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách và thị trường nông sản để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy quan hệ thương mại nông sản giữa hai bên”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Về phần mình, Thứ trưởng David Parker cho biết, thông qua đối thoại, các lĩnh vực hợp tác giữa Australia và Việt Nam được nâng lên tầm cao mới, qua đó chuyển từ hỗ trợ sang cơ chế đối thoại nhằm tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, thị trường nông sản xuất khẩu, góp phần nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên. Ông David Parker cho rằng, hai quốc gia có sự khác biệt nhiều về vị trí địa lý cho nên cần tìm ra những khác biệt để đi đến đồng thuận.
Tại đối thoại, đại diện tham tán thương mại nông sản Australia tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua Australia xuất khẩu nhiều đại gia súc sang Việt Nam, tiếp đến là sản phẩm sữa. Về hoa quả, Australia xuất khẩu sang Việt Nam nho, cam quýt. Phía Australia đang xem xét hỗ trợ người dân các tỉnh phía Bắc về sản xuất, tham gia thị trường nông sản, nhất là việc khởi nghiệp với các nữ doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.
Về hợp tác kinh doanh nông nghiệp, phía Australia đã có nhiều chương trình hợp tác về lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi… Trong 20 năm qua, Australia đã tham gia nghiên cứu giống bạch đàn, keo để phát triển rừng trồng và hiện đang phát huy kết quả tốt, đóng góp rất lớn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.
Hiện Australia đang thúc đẩy đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bò sữa với Việt Nam. Trong tháng 10/2016, Tập đoàn An Vinh của Việt Nam cũng sang Australia để đầu tư chăn nuôi đại gia súc.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhận định, trong 2 năm 2015-2016, thương mại nông sản Việt Nam và Australia tăng trưởng khá tốt. Sau khi Việt Nam mở cửa lại cho cam quýt và nho của Australia vào thị trường Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này đã tăng mạnh.
Trong 9 tháng năm 2016, Việt Nam nhập khẩu rau quả từ Australia đạt giá trị 35 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Australia đạt gần 17 triệu USD. Đặc biệt, trong vụ vải năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu sang Australia 30 tấn vải thiều và từ tháng 7/2016 đến nay hơn 10 tấn xoài, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước.
Về sản phẩm chăn nuôi, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, cán cân thương mại đang lệch về phía Australia. Việt Nam nhập khẩu nhiều bò từ Australia, nhưng chưa xuất khẩu được sản phẩm động vật nào sang Australia.
Còn theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Việt Nam có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản. Việt Nam mong muốn có thể xuất khẩu tôm nguyên con sang Australia.
Đồng thời hai bên sẽ có nhiều chương trình hợp tác về tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất tôm sú giống; công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản… nhằm phát triển các đối tượng nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn về môi trường, dịch bệnh và an sinh xã hội.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()