Đối thoại chính sách: Quan tâm lắng nghe, giải đáp kịp thời
- Những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách với hội viên, phụ nữ. Hội nghị đối thoại là kênh để hội viên, phụ nữ nói lên tâm tư nguyện vọng của mình và được các cấp, ngành liên quan lắng nghe, giải đáp kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, những năm qua, Hội LHPN huyện Bình Gia đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách với hội viên, phụ nữ tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức được 4 cuộc đối thoại chính sách tại các xã: Hoa Thám, Yên Lỗ, Minh Khai, Tân Hoà với trên 200 lượt hội viên, phụ nữ tham gia.
Bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Tại các hội nghị, chị em đã nêu lên những thắc mắc của mình về bình đẳng giới và các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất như vay vốn ưu đãi, hỗ trợ trồng rừng, chăn nuôi cho hội viên phụ nữ... Ngoài việc nắm bắt tâm tư, giải đáp kịp thời ý kiến của chị em, tại hội nghị chúng tôi còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước,... đến hội viên, phụ nữ.
Không riêng tại huyện Bình Gia, thực hiện nội dung đối thoại chính sách nằm trong Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025, những năm qua, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản với sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Cụ thể, từ đầu giai đoạn 1 đến nay, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã tổ chức được trên 240 hội nghị đối thoại với sự tham gia của trên 4.600 cán bộ, hội viên phụ nữ. Các hội nghị đối thoại được tổ chức tại các xã và cụm thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, biên giới của tỉnh. Tại các hội nghị đối thoại, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã nêu lên hơn 800 lượt câu hỏi liên quan đến chế độ, chính sách cho cán bộ phụ nữ; chính sách vay vốn phát triển sản xuất; chính sách cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về bình đẳng giới, bạo lực gia đình...
Trong số trên 240 hội nghị đối thoại này thì Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn hội LHPN các cấp tổ chức được trên 50 hội nghị đối thoại tại 10 huyện. Nội dung đối thoại xoay quanh các vấn đề, lĩnh vực liên quan đến: công tác tuyên truyền về hệ luỵ của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình và một số vấn đề cấp thiết trong gia đình; các chế độ chính sách hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số về nhà ở, đào tạo nghề, việc làm...
Chị Hoàng Thị Biền, hội viên phụ nữ thôn Khòn Nà, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình chia sẻ: Tôi được tham gia hội nghị đối thoại chính sách do Hội LHPN xã tổ chức vào tháng 6/2024. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia hội nghị đối thoại. Tôi và một số chị em được nói lên những tâm tư, nguyện vọng của bản thân về việc phòng, chống bạo lực gia đình và một số nội dung liên quan khác. Các thắc mắc, kiến nghị của chúng tôi đã được đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể liên quan trả lời trực tiếp. Qua đó, chúng tôi hiểu hơn về các vấn đề bản thân còn chưa rõ. Tôi mong muốn sẽ có nhiều hội nghị như thế này để phụ nữ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và được giải đáp các vấn đề liên quan.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, các cuộc đối thoại diễn ra với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cầu thị, tôn trọng, lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của cán bộ, hội viên, phụ nữ, tạo tâm lý thoải mái để người tham dự trình bày đầy đủ các ý kiến. Ngay sau đó, lãnh đạo các ban, ngành liên quan và các cấp hội phụ nữ đã giải đáp những ý kiến, vấn đề đặt ra; hướng dẫn tận tình để phụ nữ, trẻ em thực hiện đúng các quy định; đồng thời, tiếp thu, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoặc trả lời bằng văn bản thông qua UBND các xã nơi tổ chức đối thoại.
Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đối thoại chính sách là một chương trình thiết thực, ý nghĩa, là nơi để hội viên, phụ nữ mạnh dạn lên tiếng, nói lên những tâm tư, suy nghĩ và những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc của mình. Từ đó, giúp các cấp, ngành, chính quyền địa phương và tổ chức hội phụ nữ nắm bắt, kịp thời trả lời, giải đáp, tuyên truyền để hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức trong việc thực hiện.
Không chỉ dừng ở việc tổ chức đối thoại, Hội LHPN tỉnh đã yêu cầu, sau các hội nghị đối thoại các cấp hội phụ nữ tăng cường phối hợp với đơn vị liên quan tuyên truyền kết quả cuộc đối thoại thông qua hệ thống loa truyền thanh, sinh hoạt chi hội, qua mạng xã hội và các “Tổ truyền thông cộng đồng”, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”… để đông đảo chị em nắm bắt nội dung các chính sách liên quan. Đồng thời, yêu cầu hội LHPN các cấp tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.
Đối thoại chính sách là một trong những nội dung quan trọng của Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc tổ chức hội nghị đối thoại chính sách nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực cho cán bộ hội phụ nữ cấp cơ sở trong tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản. Thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại chính sách một cách sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Ý kiến ()