Đối thoại Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà bày tỏ mong muốn Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ sẽ góp phần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai bên trong việc thu hẹp các khoảng cách về giới trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi đối thoại trực tuyến. |
Ngày 29/9, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN-Hoa Kỳ do Indonesia chủ trì được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Đây là sáng kiến do Hoa Kỳ đề xuất tổ chức trong năm 2022 nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Đối thoại nhằm thảo luận về hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt về lồng ghép giới; phòng chống bạo lực; phụ nữ, an ninh và hòa bình và quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Đối thoại có sự tham dự của 9 Bộ trưởng/Trưởng đoàn của các nước ASEAN và Hoa Kỳ phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại cùng sự tham gia của đại diện các bộ, ngành liên quan tại Việt Nam, gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và một số lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Tại Phiên khai mạc của Đối thoại, Bộ trưởng Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia và Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ phát biểu khai mạc và chào mừng các Bộ trưởng/Trưởng đoàn và đoàn các nước thành viên ASEAN và Hoa Kỳ tham dự Đối thoại.
Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bà I Gusti Ayu Bintang Darmawati, Bộ trưởng Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) giai đoạn 2021-2023 đánh giá cao những cam kết và sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ dành cho ASEAN trong lĩnh vực thúc đẩy và tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái với việc xây dựng Khung Chiến lược Lồng ghép giới trong ASEAN và Kế hoạch Hành động khu vực về Phụ nữ, An ninh và Hòa bình để trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 ghi nhận và thông qua.
Đồng thời, bà Gusti Ayu Bintang Darmawati cũng tự hào về những tiến bộ của khu vực ASEAN trong việc tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ với việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số và tài chính bao trùm để cải thiện năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN, tăng cường tinh thần và tiềm năng kinh doanh của phụ nữ trong ASEAN và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi mọi hình thức bạo lực.
Tại Đối thoại, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã chia sẻ về chiến lược và sáng kiến của quốc gia trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ.
Phát biểu tại Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao việc tổ chức Đối thoại ngày hôm nay và hy vọng Đối thoại sẽ góp phần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa các nước thành viên ASEAN và Hoa Kỳ trong việc thu hẹp các khoảng cách về giới trong thời gian tới.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm, đặc biệt là áp dụng các công nghệ dạy học tiên tiến, các chương trình học tập linh hoạt từ xa nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động nữ.
Chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định Việt Nam luôn cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt trong lĩnh vực lao động và việc làm. Điều này đã được thể hiện trong những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách như sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm, đặc biệt là áp dụng các công nghệ dạy học tiên tiến, các chương trình học tập linh hoạt từ xa nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của lao động nữ.
Nhận thức được giá trị và vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc bảo vệ an ninh và phát triển đất nước, Việt Nam thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về Chương trình nghị sự về Phụ nữ, hòa bình và an ninh và các Nghị quyết liên quan khác.
Tính từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử 74 nữ quân nhân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó 8 sĩ quan hoạt động độc lập; 45 người trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 và 21 người trong đội Công binh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng trong thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thực hiện các cam kết về bình đẳng giới để thực sự tăng cường quyền năng cho phụ nữ trong tương lai việc làm và phục hồi sau đại dịch.
Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung của Đối thoại trong đó khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái, thực hiện Khung Chiến lược Lồng ghép Giới của ASEAN, Kế hoạch làm việc của Ủy ban ASEAN về Phụ nữ (ACW) (2021-2025), các khuôn khổ và kế hoạch làm việc liên quan của ASEAN.
Trước đó, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ về Bình đẳng giới và Tăng cường quyền năng cho phụ nữ đã được tổ chức trực tuyến vào ngày 29/7/2022 nhằm thảo luận và báo cáo các nội dung lên Đối thoại.
Ý kiến ()