Phát triển giao thông nông thôn: Đổi thay từ thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh
- Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 12 ngày 14/12/2020 của HĐND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, mạng lưới giao thông nông thôn của tỉnh tiếp tục được củng cố, tăng cường, đáp ứng được lòng mong mỏi và nhu cầu đi lại giao thương hàng hóa phát triển kinh tế của Nhân dân.
Lồng ghép nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn
Trong giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh xác định mục tiêu toàn tỉnh cứng hóa 1.750 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, cứng hóa 425 km đường trục xã; 575 km đường trục thôn; 675 km đường ngõ xóm và 75 km đường nội đồng; nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đến hết năm 2025 lên 60,9%, tương ứng với 6.705/11.011 km (hết năm 2020 đường giao thông nông thôn được cứng hóa là 4.955/11,011 km tương đương 45%).
Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh đã đưa chương trình phát triển giao thông nông thôn vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2024, UBND tỉnh đã bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh 254,2 tỷ đồng và các huyện đã bố trí khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách huyện để hỗ trợ các xã thực hiện đề án.
“Trong những năm qua, các tổ chức thành viên của MTTQ huyện Hữu Lũng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các hội viên và huy động khác để tạo nguồn lực hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn. Từ năm 2021 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm tốt công tác vận động người dân xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, nhất là đối ứng thực hiện các tuyến đường trục xã, trục thôn. Trong đó, MTTQ huyện bình quân mỗi năm huy động được khoảng 80 triệu đồng để hỗ trợ các xã làm đường, MTTQ các xã và các tổ chức thành viên đã vận động các hội viên được trên 10 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm các thôn được cứng hóa đi lại được 4 mùa đạt 85,1% và đường đến trung tâm xã đi lại 4 mùa đạt 100%”.
Ông Nguyễn Duy Toàn, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Hữu Lũng |
Ngoài ra, các huyện cũng huy động vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn hợp pháp khác, lồng ghép với nguồn vốn đề án để cứng hóa các tuyến đường trục xã, trục thôn với tổng kinh phí đã thực hiện khoảng gần 400 tỷ đồng.
Ông Hoàng Viết Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021-2025, sở đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt thiết kế mẫu và ban hành tiêu chí xác định các danh mục công trình được hỗ trợ đầu tư. Mục tiêu đặt ra là tiết giảm chi phí và tăng cường lồng ghép các nguồn lực đáp ứng tính khả thi, hiệu quả trong thực hiện hỗ trợ xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, trong 4 chỉ tiêu đề án đặt ra về cứng hóa đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm và đường nội đồng, đã có 2 chỉ tiêu thực hiện đạt kế hoạch là đường trục xã và trục thôn; 2 tiêu chí gần đạt kế hoạch là đường ngõ xóm và đường nội đồng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, từ năm 2021 đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh đã cứng hóa được 1.536 đường giao thông nông thôn các loại, tương đương đạt 87,77% kế hoạch cả giai đoạn.
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng thông tin: Giai đoạn 2021 - 2024, bình quân mỗi năm huyện huy động các nguồn lực để phát triển giao thông nông thôn được khoảng 35 tỷ đồng. Qua rà soát, đến nay 129/131 thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đi lại 4 mùa, tương đương 98,47% và 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đi lại 4 mùa.
Tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm”
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, phong trào cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tiếp tục phát triển cả về chất và lượng. UBND các huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xi măng, kỹ thuật, hướng dẫn các thôn thực hiện cứng hóa các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm theo phương châm “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm”.
“Phát triển giao thông nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của huyện Bình Gia trong giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện chương trình, huyện đã huy động mọi nguồn lực để cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện đặc biệt ưu tiên nguồn lực để cứng hóa các tuyến đường trục xã, liên xã nhằm kết nối giao thông hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn chiếm 60% tổng nguồn vốn đầu tư công cả giai đoạn. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã và đang thực hiện đầu tư 60 công trình đường trục xã với chiều dài khoảng 120 km, trong đó lồng ghép các nguồn vốn được 8 công trình với tổng chiều dài 20 km. Riêng 7 tháng đầu năm 2024, huyện thực hiện 15 công trình giao thông với chiều dài 25 km, tổng vốn thực hiện 32,2 tỷ đồng”. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia |
Ông Phạm Sao Mai, Phó trưởng thôn Chãng, xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng phấn khởi: Thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn, từ năm 2021 đến nay, thôn đã cứng hóa được 4,3/5,7 km đường gồm: 2,5 km đường ngõ xóm và 1,8 km đường trục thôn; 100% các hộ đều ủng hộ với số tiền đã đóng góp được gần 500 triệu đồng và 1.700 ngày công lao động để cứng hóa đường giao thông.
Không chỉ thôn Chãng mà nhiều thôn khác của xã Quyết Thắng cũng thực hiện tốt phong trào cứng hóa đường giao thông theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm”. Được biết, toàn xã Quyết Thắng có tổng chiều dài đường giao thông nông thôn là 42,9 km, đến hết năm 2020, toàn xã đã cứng hóa được 20 km. Từ năm 2021 đến nay, xã đã cứng hóa thêm được 13,62 km, nâng chiều dài đường giao thông đã cứng hóa lên 33,62/42,9 km; Nhân dân đóng góp 6,2 tỷ đồng để làm đường.
Qua thực tế theo dõi, nhiều xã khác của huyện Hữu Lũng và các huyện khác trên địa bàn tỉnh, phong trào làm đường giao thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Ông Hoàng Văn Tài, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phân tích: Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 so với các nghị quyết trước đây có điểm mới là vốn hỗ trợ thực hiện đề án được đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc phân bổ nguồn hằng năm để thực hiện ổn định và đầy đủ, đến năm 2024 UBND tỉnh đã phân bổ được 254,2/311 tỷ đồng cho cả giai đoạn theo đúng nghị quyết đề ra. Do đó, việc tổ chức triển khai tại các huyện và thực hiện tại các xã là thuận lợi. Đáng chú ý, việc đối ứng của người dân bằng tiền và ngày công, hiến đất từ năm 2021 đến nay là rất đáng ghi nhận.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, từ năm 2021 đến hết tháng 7/2024, người dân đã đóng góp khoảng 130 tỷ đồng và trên 150 nghìn ngày công lao động để làm đường.
Nhờ đó, ỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa đến thời điểm này đạt 96% và đường trục thôn đến trung tâm thôn đạt 86%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra của cả giai đoạn.
Sau 4 năm thực hiện nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025, có 2/4 chỉ tiêu đã được hoàn thành trước 1 năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển, có tính kết nối cao đã, đang góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh đến năm 2025.
Ý kiến ()