Đổi thay từ rừng vùng biên
Nằm trong quy hoạch của Khu kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn, dự án trồng rừng do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338 triển khai từ năm 2000 đến nay đã và đang tạo sức sống mới cho người dân các xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn.
Cán bộ đội 5, Nông – lâm trường 461, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 338
hướng dẫn người dân chăm sóc rừng vành đai biên giới
Những ngày giữa tháng 8 này, có mặt tại nơi triển khai các dự án của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vùng đất giáp biên những năm trước đây chỉ toàn đồi trọc, nay được khoác trên mình màu áo xanh ngút ngàn của cây thông…
Vùng dự án do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338 quản lý có diện tích 123.635,51 ha, với chiều dài đường biên giới là 198,8 km thuộc địa bàn 20 xã của 5 huyện biên giới: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, Văn Lãng, Tràng Định. Đa số các xã này còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều. Chính vì vậy, trong những năm đầu triển khai thực hiện dự án, đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động bà con vì phần lớn người dân chưa hiểu được vai trò, ý nghĩa của dự án. Sau này, khi rừng phát triển tốt, thấy lợi ích từ rừng cũng như hiểu rõ ý nghĩa của dự án, nhận thức của người dân đã khác.
Bà Triệu Thị Tư, thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình chia sẻ: Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2002, khi có dự án trồng rừng phòng hộ do Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338 triển khai, nhờ tiền công trồng và chăm sóc rừng, hằng năm, gia đình tôi có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống và mua được máy móc phục vụ sản xuất. Gia đình đã đăng ký và trồng được 11 ha rừng từ dự án. Cách đây gần 2 năm, có khoảng 4 ha rừng đã cho khai thác nhựa, đem lại khoản thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo.
Tìm hiểu được biết, từ năm 2001 đến nay, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338 đã hỗ trợ nhân dân trồng mới gần 3.500 ha rừng phòng hộ tại 3 huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập (đạt 98% theo dự án đã được phê duyệt); bảo vệ gần 3.000 ha rừng trồng; khoanh nuôi tái sinh hơn 600 ha rừng tự nhiên…
Cùng với dự án trồng rừng phòng hộ, năm 2013, Bộ Quốc phòng phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát triển rừng vành đai biên giới huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn” với mục tiêu: tạo hàng rào xanh, nâng cao độ che phủ của rừng, phát huy chức năng phòng hộ đầu nguồn, hạn chế xói mòn đất; hạn chế lũ lụt, duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, thu hút và tạo việc làm cho nhân dân địa phương tham gia bảo vệ và phát triển rừng hằng năm. Đến nay, dự án trồng mới được 391,6 ha rừng vành đai tại 3 thôn: Tắp Tính, Bản Quầy, xóm Soong Phe, thôn Bản Mạ, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập với chiều dài tuyến đường vành đai khoảng 15 km. Hiện tại, rừng sinh trưởng, phát triển tốt, được bà con cùng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338 chăm sóc, bảo vệ thường xuyên…
Ông Nông Minh Cát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Huyện luôn xác định trồng rừng là kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, từ khi triển khai dự án trồng rừng của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338, độ che phủ rừng của huyện đã đạt 70%. Nhờ đó, đời sống người dân, nhất là các xã vùng biên giới như: Bính Xá, Bắc Xa được cải thiện rất nhiều. Nhiều gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang và sắm được các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cuộc sống.
Ngoài huyện Đình Lập, hiện nay, tại các huyện biên giới còn lại nằm trong vùng kinh tế quốc phòng Mẫu Sơn, nhờ đẩy mạnh công tác trồng rừng và phát triển rừng, đã có rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của vùng kinh tế quốc phòng là 15 triệu đồng/người/năm, tăng 13,5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo là 32,9%, giảm 23,36% so với thời điểm trước khi triển khai dự án.
Đại tá Tạ Đức Thanh, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 338 cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con làm tốt việc duy trì, chăm sóc và bảo vệ rừng; rà phá vật liệu nổ để người dân yên tâm phát triển trồng rừng. Cùng với đó là kiến nghị xin cấp vốn theo phân kỳ để tiếp tục triển khai dự án.
NGUYỄN PHƯƠNG - KIM HUYÊN
Ý kiến ()