Đổi thay từ rừng
LSO-Quan Sơn là xã còn nhiều khó khăn của huyện Chi Lăng, những năm qua từ chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Qua đó, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.
Người dân thôn Đồng Ghè, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng trồng vải thiều cho hiệu quả kinh tế cao |
Gia đình ông Lý Văn Báo, thôn Đồng Ghè trước đây có hoàn cảnh khó khăn, từ mạnh dạn đầu tư trồng rừng, đến nay cho thu nhập kinh tế ngày càng khá. Bắt tay vào trồng rừng từ những năm 1995 (trồng theo dự án 327) với không ít khó khăn, không lùi bước, ngày ngày, ông Báo cõng cây, gùi phân, cuốc hố, trồng rừng. Đất chẳng phụ công người, rừng cây đánh bật cỏ dại, lau lách, sim mua, vươn lên xanh tốt.
Sau nhiều năm lặn lội với rừng, đến nay, gia đình ông có khoảng 10 ha rừng thông. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, cây thông cho gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Báo cho biết: “Nhờ trồng rừng, gia đình đã có của ăn của để, không chỉ thoát được nghèo mà còn từng bước làm giàu”.
Ông Lý Văn Mão, trưởng thôn Đồng Ghè cho biết: Toàn thôn có 75 hộ dân, trước đây chủ yếu trồng lúa, ngô, đời sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Những năm đầu mới triển khai trồng rừng người dân chưa chú trọng, thôn phải đến từng nhà để vận động. Từ những năm 2000 phong trào trồng rừng bắt đầu diễn ra mạnh mẽ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân không chỉ trồng thông mà còn trồng bạch đàn, keo và cây ăn quả như nhãn, bưởi, vải ở những chân đồi, vạt đồi thấp. Đến nay, cơ bản diện tích đất trống đồi núi trọc đã được phủ xanh.
Từ đó, nhiều diện tích rừng thông, keo, bạch đàn cho khai thác đem lại thu nhập khá cho người dân, có những hộ thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, như: hộ ông Hoàng Văn Sao, Lý Văn Hổ, Lăng Văn Phóng,… Đặc biệt, cây ăn quả ngày càng được mở rộng, hiện toàn thôn có khoảng 40 ha cây ăn quả được trồng ở các chân đồi, vạt đồi thấp gồm: cây bưởi, nhãn, vải, chanh đào. Từ cây ăn quả, có hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng, như: hộ ông Lăng Văn Thượng, Vi Văn Tuấn,…
Theo trưởng thôn Mão, khai thác rừng đến đâu, bà con trồng luân canh đến đó, không cho đất trống, đất nghỉ. Bình quân mỗi năm, nhân dân trong xã trồng mới trên 30 ha rừng chủ yếu là thông, keo, bạch đàn; từ 6 đến 8 ha cây ăn quả.
Không chỉ thôn Đồng Ghè, các thôn khác phong trào trồng rừng cũng diễn ra mạnh mẽ. Người dân không chỉ trồng cây thông mà còn phát triển trồng cây keo, bạch đàn. Đến nay, toàn xã có khoảng 1.400 ha rừng sản xuất, nhiều diện tích cho khai thác. Trong 9 tháng đầu năm 2016, xã trồng mới được 200 ha rừng, chủ yếu là bạch đàn, keo. Cùng với đó, ở những chân đồi thấp, bà con trồng các loại cây ăn quả như: vải thiều, nhãn, bưởi, chanh đào. Hiện tại diện tích trồng cây ăn quả toàn xã lên tới khoảng 200 ha và một số diện tích đã cho thu hoạch.
Ông Hoàng Văn Ty, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để phát huy thế mạnh kinh tế rừng, xã đã giao diện tích đất lâm nghiệp cho các hộ dân quản lý và canh tác; đưa các chương trình, dự án trồng rừng của tỉnh, huyện vào triển khai thực hiện; vận động nhân dân phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau khi một số hộ tiên phong về trồng rừng cho giá trị kinh tế cao, bà con bắt đầu thay đổi tư duy. Đến nay, phong trào trồng rừng phát triển mạnh mẽ, cho hiệu quả kinh tế cao.
Từ phát triển kinh tế đồi rừng hiệu quả, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt gần 20 triệu đồng/người/năm (so với năm 2011 đạt 9 triệu đồng/người/năm).
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()