Đổi thay từ công trình đường tuần tra biên giới
– Chiều cuối năm, chúng tôi có dịp quay trở lại những cung đường tuần tra biên giới trên địa bàn các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Tràng Định để chiêm ngưỡng con đường phẳng lỳ uốn lượn qua những đồi thông, đồi sở xanh mát. Những tuyến”huyết mạch” được hoàn thiện không chỉ có ý nghĩa lớn trong bảo vệ đường biên, mốc giới mà còn thúc đẩy sự phát triển của các thôn, bản giáp biên.
Trung tá Lâm Văn Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Chi Ma bồi hồi nhớ lại: Năm 2003 khi tôi mới vào quân ngũ và công tác tại Đồn Biên phòng Bắc Xa, mỗi khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra mốc giới trong khu vực quản lý, tổ công tác phải đi mất một ngày mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Thời điểm đó việc tuần tra, kiểm tra mốc giới rất khó khăn do các mốc nằm cheo leo trên những đỉnh đồi, đường lên mốc là những đường mòn quanh co gập ghềnh. Thời điểm năm 2005, khi Bộ Quốc phòng thực hiện khảo sát để chuẩn bị đầu tư đường tuần tra biên giới địa bàn xã Bắc Xa, tôi may mắn được tham gia chương trình khảo sát của Bộ Quốc phòng và kết thúc đợt điều tra khảo sát trên đoạn tuyến thuộc đồn Bắc Xa quản lý, chiếc xe máy mới mua được hai năm đã xuống cấp không thể sử dụng do thường xuyên di chuyển trên đường xấu.
Những ngôi nhà mới xây tại bản biên giới Kéo Kèn thuộc thôn Háng Đoỏng, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định
Đến năm 2007, các đoạn tuyến đường tuần tra biên giới được Bộ Quốc phòng triển khai đầu tư theo quyết định 313/QĐ-TTg ngày 14/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng đường tuần tra biên giới đất liền giai đoạn 2006-2010 và những năm tiếp theo. Trong đó, giai đoạn 2007-2010 trên địa bàn tỉnh được triển khai xây dựng các đoạn tuyến gồm: Bắc Xa – Bản Mạ dài 19,34 km, Bản Mạ – Bản Chắt dài 34,05 km thuộc huyện Đình Lập; đoạn Bản Chắt – Chi Ma dài 30,22 km thuộc huyện Đình Lập, Lộc Bình. Giai đoạn 2010-2015 đầu tư các đoạn tuyến thuộc xã Quốc Khánh – đến xã Tân Minh, huyện Tràng Định dài 28,9 km và giai đoạn 2020-2021 đầu tư đoạn đấu nối Pò Mã đi Cao Bằng và bản Thâm Coỏng, xã Tân Minh, huyện Tràng Định dài 13,8 km.
Thầy Lành Văn Tằng, giáo viên tiểu học xã Tam Gia, huyện Lộc Bình cho biết: Khi đường tuần tra biên giới chưa được xây dựng, giáo viên giảng dạy tại các điểm trường khu vực biên giới thuộc xã Tam Gia và Tú Mịch phải ở lại điểm trường do điều kiện đi lại quá khó khăn, giao thương hàng hoá hầu như không có, đời sống của người dân giáp biên chủ yếu tự cấp tự túc. Từ khi tuyến đường tuần tra hoàn thành đưa vào khai thác, với người dân và đội ngũ giáo viên chúng tôi con đường tuần tra biên giới được ví như đường cao tốc trên biên giới, là “huyết mạch” tạo “cú hích” để nâng cao đời sống bà con vùng biên.
Còn ông Nông Văn Nghi, trú tại bản biên giới Hang Đoỏng, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định phấn khởi: Từ khi có đường tuần tra biên giới nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng các tuyến đường nhánh, khu dân cư mới giáp biên kết nối với đường tuần tra đã giúp cho người dân có điều kiện thuận lợi hơn để khai thác lợi thế đất đồi rừng phục vụ phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Như gia đình tôi hiện đã trồng được 1.000 cây mắc ca trên diện tích 1,5 ha và 3 ha cây hồi và sở, hiện các loại cây đã cho thu hoạch khoảng 80 triệu đồng/năm. Trong năm 2021, thực hiện chủ trương của nhà nước về di dân ra bản mới giáp biên Kéo Kèn thuộc thôn Háng Đoỏng, gia đình đã tình nguyện tham gia và được nhà nước cấp 500 m2 đất ở, đầu năm 2022, gia đình quyết định xây nhà mới với diện tích 80 m2 và các công trình phụ trợ trị giá 500 triệu đồng.
Khách du lịch từ các tỉnh trải nghiệm khám phá chụp ảnh khi du lịch phượt trên đường tuần tra biên giới thuộc huyện Lộc Bình
Bản biên giới Kéo Kèn đến nay đã có 20 hộ đến sinh sống, các hộ đều xây dựng nhà mới khang trang sạch đẹp, vị trí của bản cách đường tuần tra biên giới và mốc 979 chưa đầy 1 km. Từ trung tâm thôn bao quát toàn bộ thung lũng thôn Háng Đoỏng và có hệ thống hạ tầng giao thông bê tông xi măng kết nối từ quốc lộ 3B với đường tuần tra biên giới rất thuận lợi.
Đến nay, sau hơn 15 năm đầu tư xây dựng đưa vào khai thác, các đoạn tuyến đường tuần tra biên giới, bộ mặt khu vực nông thôn biên giới của tỉnh đã đổi khác hoàn toàn. Giờ đây bất cứ ai có dịp đi trải nghiệm trên các đoạn tuyến đường tuần tra biên giới sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi rõ nét tại khu vực biên giới. Đó là những tuyến đường kết nối từ quốc lộ, đường tỉnh với đường tuần tra biên giới đã xây dựng hoàn thiện; là những cánh rừng thông, rừng hồi, rừng sở đã được trồng phủ kính bên các quả đồi dọc tuyến hành lang biên giới xen lẫn những bản làng nông thôn mới giáp biên.
– Lạng Sơn có chiều dài đường biên giới 231,74 km với 5 huyện biên giới gồm Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Lãng và Tràng Định. Toàn tuyến có 21 xã, thị trấn giáp biên với 176 thôn bản, trong đó có 72 thôn giáp biên giới với hơn 16 nghìn hộ dân. Tính đến cuối năm 2022 trong 20 xã biên giới thì có tới 11/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại các xã biên giới hiện dưới 10%. – Trong tổng số 231,74 km đường biên giới quốc gia, Bộ Quốc phòng đã đầu tư xây dựng xong đường tuần tra biên giới trên bộ tuyến Việt-Trung địa bàn tỉnh Lạng Sơn được 126,3 km thuộc các đoạn tuyến huyện Đình Lập, Lộc Bình và Tràng Định. – Giai đoạn 2021-2025, Quân khu 1 đang triển khai tiếp các đoạn tuyến thuộc huyện Văn Lãng và chuẩn bị đầu tư các đoạn tuyến thuộc huyện Cao Lộc với tổng chiều dài đường tuần tra biên giới được đầu tư trong thời gian tới khoảng 40,22 km theo tiêu chuẩn đường cấp VI miền núi, mặt đường bê tông xi măng rộng 3,5 m. |
Đại tá Lương Mạnh Vông, Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ quy Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: Công trình đường tuần tra biên giới được xây dựng không những tạo điều kiện rất thuận lợi cho công tác cơ động lực lượng tuần tra, bảo vệ, xử lý các vụ việc trên biên giới của bộ đội biên phòng mà còn giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhân dân và các lực lượng liên quan triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của bà con gắn với bảo vệ đường biên cột mốc biên giới quốc gia.
Được biết, trong giai đoạn 2021-2030, nhà nước tiếp tục đầu tư các tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong đó riêng giai đoạn 2021-2025 sẽ thực hiện chiều dài các đoạn tuyến đường tuần tra biên giới tại các xã Trùng Khánh, Thuỵ Hùng, Thanh Long, huyện Văn Lãng và đoạn tuyến của xã Đào Viên, Tân Minh, huyện Tràng Định với tổng chiều dài hơn 40,22 km. Hiện UBND huyện Văn Lãng, Tràng Định đang thực hiện đo đạc kiểm đến lập phương án bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Qua theo dõi người dân rất đồng tình phấn khởi ủng hộ để sớm có con đường phục vụ phát triển kinh tế tại địa phương. Bên cạnh đó các huyện cũng triển khai xây dựng các đề án để khai thác tuyến đường tuần tra biên giới phục vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ giáo dục về chủ quyền biên giới quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập
” Trong 5 huyện biên giới thì tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn huyện Đình Lập đã được đầu tư hoàn chỉnh nhất, vừa tạo thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế vừa phục vụ công tác tuần tra bảo vệ, kiểm tra mốc giới. Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh, huyện và Đoàn Kinh tế quốc phòng 338 cũng đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật để kết nối với đường tuần tra biên giới nhằm phát huy tiềm năng về đất đai và công trình đường tuần tra để phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Hiện nay UBND huyện đang xây dựng đề án phát triển du lịch để thu hút đầu tư, tạo các tua tuyến du lịch trải nghiệm khám phá, khai thác vẻ hoang sơ của cung đường tuần tra biên giới và có tính kết nối cao liên vùng giữa huyện Lộc Bình-Đình Lập và huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Từ đó làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại tạo nhiều việc làm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Bà Lâm Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định
” Có tuyến đường tuần tra biên giới, xã Quốc Khánh như có thêm 1 tuyến “quốc lộ” chạy qua để xã thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Để khai thác hiệu quả công trình đường tuần tra biên giới, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động các hộ dân đẩy mạnh xây dựng các mô hình kinh tế dọc tuyến đường tuần tra biên giới nhằm khai thác lợi thế về đất đai giao thông phục vụ phát triển sản xuất nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Tính đến nay, xã đã xây dựng được 10 mô hình kinh tế tại tuyến biên giới chủ yếu là mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi điển hình như mô hình trồng cây mắc ca ở thôn Háng Đoỏng, mô hình nuôi ngựa bạch thôn Nà Nưa, Bó Luông. Trong đó, hai mô hình nuôi ngựa bạch đã được hỗ trợ vốn vay từ Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2025 với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, đây là các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, giúp nhân dân ở các thôn biên giới tăng thu nhập “.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()