Đổi thay từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
(LSO) – Trong nhiều năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV) đã được triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, trong đó có tỉnh Lạng Sơn.
Thực hiện chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2012 -2018, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt. Các sở, ban, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch và ban hành các cơ chế chính sách để chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, bảo đảm theo đúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Theo đó, tổng nguồn ngân sách nhà nước phân bổ trực tiếp thực hiện Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2012-2018 là 1.572.261 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí này, sau 7 năm thực hiện, chương trình đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ và nhân dân, hỗ trợ giáo dục đào tạo và dạy nghề, thông tin truyền thông…, qua đó góp phần tạo ra bước chuyển mình, đổi mới toàn diện vùng đặc biệt khó khăn; cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát của chương trình là nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; tạo điều kiện để đưa nông thôn các vùng này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình anh Lý Văn Lịch, người dân thôn Nà Múc, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc đã và đang cho hiệu quả kinh tế
Trong giai đoạn 2012 – 2018, chương trình đã đầu tư xây dựng 1.631 công trình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II; thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng sau đầu tư. Đối với hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, xây dựng các mô hình giảm nghèo, trong 7 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ mua gà, lợn giống, thức ăn chăn nuôi, nông cụ sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ nghèo, cận nghèo… Cùng với đó, chương trình hỗ trợ 13 mô hình phát triển sản xuất, 13 mô hình nhân rộng giảm nghèo.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Chương trình MTQGGNBV đã bước đầu khơi dậy phong trào phát triển kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành ý thức kết hợp giữa các nguồn lực và nội lực để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện, chợ, trung tâm cụm xã, các chương trình hỗ trợ khai hoang, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất… đã kéo theo sự phát triển thương mại, dịch vụ sản xuất, tiêu dùng… Thu nhập, đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng được cải thiện, phát triển.
Trên thực tế, so sánh từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của tỉnh giảm được tổng số 18.244 hộ, tỷ lệ giảm 10,12% (bình quân mỗi năm giảm được 3,37%). Hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 45.295 hộ xuống còn 28.369 hộ (bình quân giảm 5.642 hộ/năm). Số hộ tái nghèo hằng năm thấp, nếu giai đoạn 2012 – 2015, số hộ tái nghèo là 1.059 hộ thì giai đoạn 2016 – 2018 số hộ tái nghèo chỉ còn 72 hộ, giảm rất nhiều so với giai đoạn trước.
Ông Nguyễn Đặng Ân, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Với sự kết hợp các nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo, đến nay toàn huyện đã có 4/27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên 99% số thôn, bản được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt trên 97,5%; tỷ lệ hộ đồng bào sử dụng nước sinh hoạt đạt trên 93%; trường học, trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, xây mới đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 của huyện giảm xuống còn 19,24.
Thời gian qua, các chính sách, dự án đầu tư cho chương trình MTQGGNBV đã được người dân đón nhận theo hướng tích cực, tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, chủ động trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Các chính sách, dự án đầu tư chương trình MTQGGNBV đã cho thấy hiệu quả rất tích cực, tác động trực tiếp đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người nghèo nói riêng, đem lại hiệu quả, bảo đảm tính bền vững của chương trình giảm nghèo.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()