Đổi thay trên mâm cỗ Tết
Như nhiều gia đình khác, anh chị em chúng tôi cũng cố gắng thoát ly, lập thân lập nghiệp ở nhiều lĩnh vực và tỉnh, thành phố khác nhau. Lễ, Tết là dịp để cả gia đình sum họp, đoàn tụ và mời bạn bè đến ăn cơm chung vui, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong năm… Tất nhiên, bữa cơm không thể thiếu chén rượu để cùng “1, 2, 3 dô, uống” cho khí thế, cho dễ tâm sự.
Khách đến nhà, chủ nhà dù mệt cũng phải cố để tỏ tấm thịnh tình. Khách thấy thế thì cũng phải có chén đi, chén về, tìm lý do để mời đáp lại tấm chân tình của gia chủ. Nhưng không phải một bữa mà triền miên nhà này đến nhà khác, ngày này qua ngày khác.
Thế là dù có vui trong khoảnh khắc nhưng say và mệt cả mấy ngày sau đến nỗi không còn sức, tâm trí đón nhận những thời khắc quan trọng của Tết. Những ngày nghỉ Tết cũng vèo vèo trôi qua trong tiếc nuối “biết thế uống ít”, “Tết năm sau không say thế này nữa”…
Mâm cỗ Tết giản dị cùng việc sử dụng rượu, bia có chừng mực giúp người dân có sức khỏe, thời gian vui Tết trọn vẹn. |
Nhưng năm nay, mới qua hai ngày nghỉ Tết, tôi đã thấy có sự đổi thay mạnh mẽ trên mâm cỗ dù vẫn những món ăn đặc trưng ngày Tết, đầy đủ anh em, bạn bè và vẫn có rượu.
Rượu được rót ra, nâng lên, chạm chén nhưng ai uống cứ uống, ăn ai cứ ăn, không còn cảnh trách móc, khích bác, viện đủ lý do để ép nhau phải uống hết, uống đầy nữa. Song, không vì thế mà mâm cỗ kém vui, thậm chí còn có phần rôm rả hơn. Bởi thay vì tìm lý do để mời nhau uống rượu, mọi người tập trung chuyện trò, tâm sự, khích lệ, động viên nhau phát huy thành quả đạt được và gác lại nỗi buồn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm mới; nhắc nhau uống rượu rồi thì nên nghỉ ngơi, tuyệt đối không lái xe nữa… Cánh chị em còn vui hơn nữa vì không còn phải nhấp nhổm chờ đợi anh em ăn uống hàng mấy tiếng đồng hồ để dọn dẹp trong khi còn bao nhiêu việc ngày Tết; chưa kể phải nghe những câu chuyện “trên trời, dưới đất”, không đầu, không cuối…
Người Việt Nam ta vốn hiếu khách. Gặp gỡ, đoàn viên trong những dịp vui như ngày Tết lại càng muốn mời nhau chén rượu nồng cho ngày xuân thêm vui. Nhưng cái gì quá cũng dễ để lại hậu quả. Không chỉ là nguyên nhân gây tai nạn giao thông hàng đầu ở nước ta, rượu, bia còn gây ra nhiều hệ lụy xã hội; biến nhiều người từ hiền lành bỗng chốc trở nên hung hăng, khó kiểm soát, thậm chí là gây án mạng. Mới đây nhất là vụ việc xảy ra trong bữa tiệc cuối năm ở thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) khiến một người đàn ông 36 tuổi (cùng ở địa chỉ trên) tử vong. Thống kê, điều tra xã hội học đối với hơn 45.600 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an, cũng đưa ra một con số nhức nhối: Hơn 51% người trước khi phạm tội có sử dụng rượu, bia.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 còn 5 ngày nữa mới kết thúc. Mong rằng, trong mâm cơm, bữa tiệc vui đón năm mới, mỗi người dân, mỗi gia đình sẽ quyết tâm đổi mới, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng rượu, bia; chấp hành nghiêm các quy định pháp luật góp phần đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn; xây dựng quê hương, làng xóm, rộng hơn là xã hội, đất nước theo xu hướng văn minh đô thị, hiện đại, phù hợp và thiết thực hơn với nhịp sống mới.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/doi-thay-tren-mam-co-tet-764716
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()