Đổi thay trên đỉnh Nà Sòm
(LSO) – Năm 2015, dự án thủy điện Thác Xăng khiến 56/56 hộ dân thôn Nà Sòm, xã Bắc La, huyện Văn Lãng bị ảnh hưởng, trong đó, 42 hộ phải di dời đến nơi ở mới. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước, sự nỗ lực trong lao động sản xuất của người dân, đến nay, đời sống của các hộ bị ảnh hưởng đã ổn định, nhiều hộ vươn lên giảm nghèo.
Vào một ngày đầu xuân Canh Tý, chúng tôi có mặt ở thôn Nà Sòm. Hiện hữu trước mắt chúng tôi là cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi. Nông thôn nơi đây như khoác lên mình tấm áo mới với nhiều ngôi nhà xây kiên cố mọc ven lòng hồ. Hàng chục lồng nuôi cá xếp vuông góc, san sát nhau dưới lòng hồ thủy điện. Người dân ở đây tất bật lao động sản xuất, người thì cho cá ăn, người tất bật lái xuồng đưa khách tham quan ngắm cảnh, người chăm sóc đàn vật nuôi.
Người dân Nà Sòm thu hoạch cá lồng
Tiếp chúng tôi trong căn nhà kiên cố, đầy đủ tiện nghi, ông Hứa Văn Báo, thôn Nà Sòm kể: Từ khi bàn giao 6 sào ruộng, gần 3.000 m2 đất vườn và 2 ha rừng sản xuất để thủy điện Thác Xăng tích nước, gia đình tôi không còn đất lập kế sinh nhai, cứ nghĩ cuộc sống sẽ đói nghèo trở lại. Nhờ được các cấp, ngành hỗ trợ phát triển sản xuất và gia đình tự lực trong lao động mà đến nay, cuộc sống gia đình đã ổn định. Tôi đã sử dụng tiền đền bồi thường đất để thuê máy xúc san ủi đồi thành ruộng. Tận dụng mặt nước hồ, tôi đầu tư 4 lồng nuôi cá. Từ năm 2018 đến nay, tôi đã có thu nhập khoảng 36 triệu đồng/lồng cá”.
Tương tự, năm 2015, gia đình chị Luân Thị Pen cũng mất toàn bộ đất sản xuất và nhà ở, buộc gia đình phải di dời nhà cửa lên địa điểm cao hơn. Tuy nhiên, sau 2 năm phát triển kinh tế kết hợp nông – lâm – ngư nghiệp, gia đình chị đã có thu nhập ổn định, cuộc sống đã bớt khó khăn. Chị Pen cho biết: “Gia đình tôi hiện giờ đã có thu nhập ổn định từ trồng lúa, làm vườn và nuôi 4 lồng cá. Mặc dù phải chuyển ngành nghề mới, nhưng do được các cấp, ngành và Hợp tác xã Thủy sản Thác Xăng hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật sản xuất mà đến nay, mô hình nuôi cá lồng của gia đình đã và đang phát triển, trung bình mỗi lứa cho thu nhập khoảng 30 đến 40 triệu đồng”.
Cùng với sự vươn lên của người dân, những năm qua, các cơ quan, đơn vị liên quan đã hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân Nà Sòm ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất. Ông Vi Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bắc La cho biết: Từ năm 2015 về trước, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, làm ruộng, trồng rừng nên khi mất đất sản xuất, nhà ở bởi dự án thủy điện Thác Xăng thì họ lo lắng lắm. Tuy nhiên, những năm gần đây, xã được nhà nước quan mở đường mới, kéo điện lưới. Bên cạnh việc được chi trả tiền bồi thường đất, hoa màu, các hộ còn được nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm, di chuyển nhà ở, ổn định cuộc sống và sản xuất với tổng số tiền gần 33 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ, tập huấn tận dụng mặt nước hồ nuôi cá lồng, kinh doanh dịch vụ…
Hiện tại, toàn thôn Nà Sòm có 19 hộ chuyển đổi ngành nghề từ sản xuất nông – lâm nghiệp sang nuôi cá lồng với khoảng 70 lồng cá, ước sản lượng đạt trên 20 tấn/năm. Trong thôn còn có một số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, lái xuồng đưa khách tham quan du lịch và mở rộng sản xuất nông – lâm nghiệp mang lại thu nhập trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng/hộ/tháng. Anh Hứa Văn Đoàn, trưởng thôn Nà Sòm cho biết: Có thể nói, đến nay cuộc sống đã cơ bản ổn định, bà con yên tâm lao động sản xuất, nhiều hộ đã thoát nghèo. Vào thời điểm cuối năm 2015, cả thôn có tới 34 hộ nghèo, chiếm gần 61%, đến cuối năm nay chỉ còn 8 hộ nghèo, chiếm 16% tổng số hộ toàn thôn.
Một mùa xuân mới lại về với bà con Nà Sòm. Tin tưởng với sự chỉ đạo đúng đắn và hỗ trợ của các cấp, ngành; sự nỗ lực vươn lên của người dân, thời gian tới cuộc sống người dân Nà Sòm sẽ ngày càng ấm no, sung túc, Nà Sòm sẽ phát triển và lung linh như ánh điện của thủy điện Thác Xăng.
Ý kiến ()