Ðổi thay ở vùng căn cứ cách mạng
Sau 37 năm, kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, diện mạo buôn căn cứ năm xưa đang đổi thay từng ngày; đường giao thông trong buôn đã thảm nhựa, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, các hộ dân đều có điện thắp sáng, trẻ em đến tuổi đều được đến trường, đời sống của người dân trong buôn ngày càng được cải thiện.Đang chăm chỉ phơi lúa vừa gặt về trên sân nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn Dak Tua, bà H’Luôn Niê vui vẻ cho biết: "Trước đây, bà con trong buôn chỉ biết trồng lúa rẫy, làm miết mà chẳng đủ ăn cho nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Những năm gần đây, được Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn đầu tư thâm canh lúa nước như chọn các loại giống mới, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, đưa nước về ruộng theo chu kỳ sản xuất... cho nên năng suất bình quân ngày một tăng, đời sống của người dân cũng khấm khá hơn. Nhiều hộ không những thoát cảnh đói nghèo mà còn vươn lên...
Đang chăm chỉ phơi lúa vừa gặt về trên sân nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn Dak Tua, bà H’Luôn Niê vui vẻ cho biết: “Trước đây, bà con trong buôn chỉ biết trồng lúa rẫy, làm miết mà chẳng đủ ăn cho nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Những năm gần đây, được Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông huyện mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn đầu tư thâm canh lúa nước như chọn các loại giống mới, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, đưa nước về ruộng theo chu kỳ sản xuất… cho nên năng suất bình quân ngày một tăng, đời sống của người dân cũng khấm khá hơn. Nhiều hộ không những thoát cảnh đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu, có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ”. Chỉ những ngôi nhà mới, con đường nhựa uốn lượn qua những quả đồi và cánh đồng lúa dưới chân núi, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đác Lắc) Nguyễn Văn Tâm chia sẻ: Trong những năm qua, Đảng ủy xã đã linh hoạt đề ra các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp; trong đó, tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng để phục vụ sản xuất như đường, điện, củng cố, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, xã đã đầu tư kinh phí mở các lớp đào tạo, tập huấn cho người dân nắm bắt được khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để áp dụng vào sản xuất, mở các lớp đào tạo nghề cho nhân dân, định hướng cho nông dân cải tạo vườn tạp và chuyển những diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây hoa màu để tăng thu nhập.
Ngồi bên hiên nhà dài hướng mắt về ngọn núi Cư Pui cao vút trong sương mờ, già làng Y Sing Mdrang đã qua 80 mùa rẫy nhưng vẫn còn minh mẫn, đôi mắt vẫn rất tinh anh. Rít một khói thuốc rồi nhấp ly trà nóng vừa pha, già nhớ lại: Khi lũ giặc cướp nước đến đốt phá hết nhà cửa, bắt hết trâu bò, gà lợn khiến cho đời sống dân làng chìm trong đau khổ, nhiều người đã bỏ làng chạy vào rừng, trốn đi theo cách mạng. Được cách mạng giác ngộ, những người con của buôn làng Dak Tua đã xung phong lên đường đánh giặc, còn các ama, amí cũng hăng hái cùng nhau trồng sắn, tỉa ngô, gieo lúa, gùi lương, tải đạn, nuôi giấu bộ đội, phục vụ kháng chiến. Còn già Y Viên Niê, một cựu binh hồi tưởng: “Trong hai cuộc kháng chiến, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng, bị địch đánh phá rất ác liệt. Dù bị địch càn quét, đốt phá nhà cửa, vườn tược tan hoang nhưng với lòng yêu nước, bà con vẫn trung kiên bám trụ sản xuất lúa gạo, che giấu cán bộ, một lòng theo Đảng”.
Chủ tịch xã Ea Kuăng Phạm Tâm cho biết, xã Ea Kuăng là địa phương duy nhất của huyện Krông Pak được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào cuối năm 2000 vì những đóng góp, cống hiến sức người, sức của trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiếp nối truyền thống Anh hùng ấy, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Ea Kuăng đang nỗ lực, phấn đấu từng ngày để phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp. Từ một địa phương chỉ có 93 hộ với 279 khẩu vào thời điểm năm 1975, đến nay Ea Kuăng đã trở thành vùng “đất lành chim đậu” với gần 2.700 hộ, 13.370 khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông. Nhận thấy làm nông nghiệp theo kiểu truyền thống hiệu quả kinh tế không cao cho nên những năm gần đây, chính quyền, các đoàn thể của xã đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: xây dựng mô hình trồng tre lấy măng, trồng lúa cao sản, nuôi cá nước ngọt, phát triển cây cà-phê bền vững để bà con áp dụng vào sản xuất. Toàn xã gieo trồng được 2.371 ha, tổng sản lượng lương thực bình quân hơn 8.500 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 10 triệu đồng/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10%/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 20% theo tiêu chí mới. Bước đột phá trong phát triển kinh tế của xã Ea Kuăng là vào năm 2006 khi được Nhà nước đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi, đê bao dài 2,3 km. Các tuyến kênh khơi dòng nước mát đã bảo đảm tưới tiêu cho hơn 400 ha lúa, cà-phê. Bà Trần Thị Xuân ở thôn Thăng Lập 1 hồ hởi khoe: “Trước đây, việc canh tác lúa của bà con rất bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào nước trời. Từ ngày có tuyến kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng, mọi người canh tác được hai vụ lúa/năm với năng suất ổn định tám tạ/sào cho nên đời sống cũng được cải thiện rất nhiều”. Bên cạnh đó, tiếp nối truyền thống Anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đang phát huy sức mạnh nội lực trong xây dựng nông thôn mới.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, người dân trong xã cũng tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng hội trường thôn, nâng cấp hệ thống giao thông, trạm y tế và hai trường học đạt Chuẩn quốc gia đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, xã rất chú trọng đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã có gần 2.400 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa các cấp, xã được công nhận đạt danh hiệu Xã văn hóa cấp huyện năm 2010. Chủ tịch UBND xã Phạm Tâm ấp ủ, với bảy trong tổng số 19 tiêu chí đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đồng thuận của người dân và sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước là tiền đề quan trọng để xã Ea Kuăng xây dựng thành công nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống của một xã Anh hùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()