Đổi thay ở thôn Pá Ó
– Cách đây hơn 2 năm, tôi có dịp vào công tác tại thôn Pá Ó, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Đây là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Trấn Yên. Thời điểm đó, thôn chưa có điện, chưa có sóng điện thoại nên sinh hoạt, sản xuất còn nhiều khó khăn, đời sống văn hoá, tinh thần của người dân còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, đường giao thông chưa được cứng hóa cũng là rào cản lớn, cản trở người dân phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, nên nơi đây vẫn thường được gọi là thôn “ba không”. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, người dân trong thôn đã được quan tâm kéo điện lưới, phủ sóng điện thoại và cứng hóa đường giao thông nông thôn.
Ông Đặng Văn Đức, Trưởng thôn Pá Ó chia sẻ: Pá Ó là thôn đặc biệt khó khăn của xã. Thôn có 75 hộ dân và 362 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao, trong đó, hộ nghèo chiếm 85% (cao nhất toàn xã). Trước đây, toàn bộ trục đường từ trung tâm xã vào thôn đều là đường đất. Không những thế, từ năm 2022 về trước, người dân trong thôn cũng chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng. Chúng tôi phải dùng đèn dầu, đèn tích điện, một số nhà có điều kiện hơn thì đầu tư thiết bị điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ đủ dùng thắp sáng bóng điện công suất nhỏ trong vài ngày. Bên cạnh khó khăn về thiếu điện, do không có sóng điện thoại nên mỗi khi có cuộc họp thôn, tôi và các thành viên trong chi bộ phải đến nhà từng hộ dân để thông báo. Cùng đó, việc triển khai nhiệm vụ đến người dân cũng gặp nhiều khó khăn, không kịp thời.
Người dân thôn Pá Ó sử dụng thiết bị điện trong sinh hoạt hằng ngày
Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, tháng 10/2022, công trình đường thôn Pá Ó được triển khai với tổng mức đầu tư trên 4,2 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện làm chủ đầu tư. Đến đầu tháng 1/2023, công trình đường giao thông dài 2,7 km, chiều rộng 4 m hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã tạo điều kiện để người dân đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hoá.
Bên cạnh đó, cuối năm 2022, Viettel Lạng Sơn đã lắp đặt trạm thu phát sóng 4G tự động tại thôn; Công ty Điện lực Lạng Sơn đã triển khai thi công Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2015 – 2020, phân kỳ năm 2022 đưa điện lưới quốc gia đến thôn Pá Ó. Trong quá trình triển khai, các hộ dân trên địa bàn thôn đã hiến trên 1.000 m2 đất để công trình đường thôn và công trình điện sớm được hoàn thiện. Nhờ đó, đến đầu tháng 1/2023, các công trình đường thôn, điện lưới quốc gia và sóng di động đều hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ thôn “ba không”, đến nay, người dân trong thôn đã có điện, có sóng điện thoại và con đường bê tông hóa vào trung tâm thôn giúp bà con yên tâm sản xuất, từng bước ổn định cuộc sống.
Ông Đặng Văn Thuận, người dân trong thôn phấn khởi chia sẻ: Ngay khi đường điện đang được lắp đặt, gia đình tôi đã hiến trên 100 m2 đất nông nghiệp của gia đình để công trình nhanh chóng hoàn thiện. Gia đình cũng sắm sửa các thiết bị điện như: ti vi, điện thoại di động… để có thể sử dụng ngay khi đóng điện. Đến nay, chúng tôi đã có thể trải nghiệm sóng 4G để đọc báo, xem nhiều thông tin bổ ích qua mạng và thuận tiện liên lạc với mọi người.
Ông Phạm Bá Phương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết: Điện lưới quốc gia, sóng điện thoại và đường giao thông được bê tông hóa đã “thổi” luồng gió mới tới thôn nghèo Pá Ó, giúp nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ dân trong thôn sử dụng các thiết bị điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất đạt 70%; tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đạt 90%. Không những thế, có điện lưới quốc gia, mạng di động còn thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ trong thôn như: kinh doanh tạp hóa, sửa chữa xe máy, xay sát thóc… Qua đó, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân sử dụng điện tiết kiệm, an toàn; áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại máy móc trong phát triển sản xuất.
Giấc mơ có điện, có sóng điện thoại và con đường khang trang, sạch đẹp của bà con thôn Pá Ó đã thành hiện thực. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp, sự chủ động nỗ lực của bà con, cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây sẽ dần đổi thay, cuộc sống từng bước được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ý kiến ()