Đổi thay nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của Bắc Sơn
(LSO) – Những ngày cuối tháng 9, về thăm xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn, chúng tôi nhận thấy rõ sự đổi thay tại nơi mà 82 năm trước dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chi bộ đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn (nay là huyện Bắc Sơn) được thành lập.
Xe chúng tôi bon bon trên đường huyện 73 từ trung tâm huyện Bắc Sơn đến trung tâm xã Tân Hương. Con đường mới được đầu tư xây dựng phẳng lỳ, êm ru. Nếu như trước kia, người dân phải “vật lộn” cả tiếng đồng hồ mới vượt qua được chặng đường dài 12 km này, thì giờ đây chỉ mất khoảng 15 phút. Tuyến đường hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn để Tân Hương phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Hoàng Doãn Thanh, 60 tuổi, đảng viên Chi bộ thôn Pó Tát, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hương cho biết: Trước đây, Pó Tát nói riêng và xã Tân Hương nói chung có điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn nhưng bà con luôn một lòng đi theo Đảng, bám đất, bám làng nuôi giấu cán bộ trong những giai đoạn khó khăn nhất để lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc. Trải qua các giai đoạn lịch sử, giờ đây, Tân Hương đã có bước phát triển nhất định trong dòng chảy của công cuộc đổi mới.
Nhân viên lao động thuộc doanh nghiệp Phú Lộc Phú Tài thu hoạch chanh leo tại xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn
Từ khi chi bộ đảng đầu tiên của châu Bắc Sơn được thành lập năm 1936 với 5 đảng viên tại thôn Pó Tát, giờ đây, Đảng bộ xã Tân Hương phát triển được 160 đảng viên sinh hoạt tại 10 chi bộ. Dù trong thời chiến hay thời bình, Đảng bộ xã Tân Hương luôn phát huy vai trò hạt nhân chính trị, đoàn kết lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn để xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, lãnh đạo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả.
Từ một xã điều kiện đặc biệt khó khăn, giờ đây, Tân Hương đã có sự chuyển dịch nhanh về cơ cấu kinh tế. Hiện xã đã quy hoạch được các khu vực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, như: vùng trồng cây ăn quả có múi, vùng trồng lạc, vùng thuốc lá, vùng trồng ngô và phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 2008, toàn xã chỉ có 116 ha đất trồng lạc thí điểm, đến năm 2018, diện tích cây lạc xấp xỉ 180 ha. Về cây ăn quả, hiện toàn xã phát triển được hơn 100 ha cây có múi như: quýt, cam, bưởi; riêng năm 2017, toàn xã trồng được thêm 20 ha cây ăn quả có múi, tăng 500% so với năm 2008. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đàn bò và đàn dê tăng đáng kể so với trước đây, năm 2008, toàn xã có khoảng 1.000 con bò đến năm 2017, đàn bò toàn xã tăng lên 1.165 con; năm 2010 chưa có người nuôi dê thì giờ bà con đã phát triển được gần 800 con. Thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2017 là 22 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm từ 3% trở lên.
Trên lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, nhờ sự quan tâm của Đảng, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu của xã đã được củng cố, rất nhiều công trình được đầu tư đưa vào khai thác phát huy hiệu quả, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hiện tuyến đường trục chính qua xã với chiều dài hơn 8 km đã được cứng hóa, các tuyến đường từ trung tâm xã đến thôn đang được đầu tư. Riêng năm 2018, xã được tỉnh tiếp tục đầu tư tuyến đường bê tông liên xã kết nối từ thôn Pó Tát sang xã Chiến Thắng với chiều dài hơn 4 km nhằm góp phần thúc đẩy giao thương và liên kết vùng cùng phát triển, dự kiến công trình hoàn thành trong quý IV năm nay.
Ông Lương Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Là xã có 80% hộ dân sống bằng nghề nông, do vậy, xã đang tích cực vận động nhân dân liên kết với doanh nghiệp để phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung và khai thác hiệu quả đất đai để nâng cao thu nhập. Hiện xã đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và du lịch với diện tích liên kết giữa người dân và doanh nghiệp sử dụng đất khoảng hơn 100 ha. Đây là tín hiệu tích cực để Tân Hương thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.
Ý kiến ()