Đổi thay nơi miền đất Ải
LSO - Chi Lăng, mảnh đất lịch sử đã ghi bao chiến công trong chống giặc ngoại xâm. Cái tên đất Ải không chỉ là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn mà còn là niềm tự hào của cả nước. Giờ đây niềm tự hào ấy như đang được nhân lên bởi Chi Lăng không chỉ giỏi đánh giặc mà còn năng động trong làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Những ngày cuối năm này, chúng tôi lại có dịp thong dong trên tuyến Quốc lộ 1A để về thăm đất ải Chi Lăng. Bước cùng chúng tôi là những tiếng cười trong trẻo của lũ học trò vừa tan lớp. Hai bên đường là cánh đồng vừa được cày ải còn thơm mùi đất mới. Những rừng na cũng thay áo cuối vụ sau khi làm tròn sứ mệnh của một mùa quả ngọt. Gặp tôi, anh Vy Văn Thuận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chi Lăng hồ hởi khoe, vụ na, hồng năm nay được mùa, được giá. Tính sơ sơ đã thu về cho bà con cả chục tỷ đồng. Riêng cây sắn tăng đột biến về diện tích, đạt gần 700 ha, năng suất đạt trên 60 tạ một ha, tăng 4,23% so với cùng kỳ2012. Gieo cấy vụ mùa, Chi Lăng thắng lớn vì diện tích lúa gieo trồng vượt kế hoạch với trên 1.000 ha. Năng suất cây lúa đạt trung bình 54,5 tạ 1 ha. Trồng rừng đạt 1.260, 58 ha, tăng 5,5% sop với kế hoạch. Công nghiệp đạt 434,181 tỷ đồng, tăng 24% so với kế hoạch. Thu ngân sách đạt trên 27,5 tỷ đồng vượt 15% so với dự toán. Điều đó khẳng định sự nỗ lực của cán bộ nhân dân toàn huyện đã vượt khó giành thắng lợi trong sản xuất.
Nông dân Chi Lăng chế biến sắn xuất khẩu
Theo anh Vy Văn Thuận, với tình hình kinh tế năm nay khó khăn nhất là thu ngân sách. Thế nên ngay từ đầu năm huyện đã dồn sức chỉ đạo thu ngân sách, rà soát các nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu, tăng thu… Những biện pháp ấy được tiến hành đồng bộ nên đã mang lại hiệu quả cao. Năm 2013 toàn huyện đã cứng hóa 4.720m đường bê tông, nạo vét 3.681 km kênh mương đảm bảo nước tưới cho sản xuất. Nhiều công trình phục vụ dân sinh như nước sạch, đường giao thông được đưa vào sử dụng. Nhiều mô hình như nuôi lợn nái ở xã Chi Lăng đã tổng kết và nhân rộng; mô hình trồng ớt đã tăng lên đạt 120 ha, nhiều cơ sở chế biến ớt, hồi, nông sản xuất khẩu đã lớn mạnh nâng tầm thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp Chi Lăng. Nhưng huyện đã tiến hành khởi công hàng chục công trình; nước sạch phân tán, đường giao thông, phòng học với giá trị đạt 16,415 tỷ đồng. Đấy là những niềm vui, khẳng định trong khó khăn nhưng Chi Lăng vẫn tạo những bước đột phá.
Nông dân xã Nhân Lý, Chi Lăng phân loại khoai tây thương phẩm
Hiện nay Đảng bộ, chính quyền huyện đang tìm mọi cách phát huy thế mạnh trong sản xuất vật liệu phục vụ công nghiệp, như đá xây dựng, vôi. Về nông lâm nghiệp tập trung vào nâng cao chất lượng quả na, tăng cường cây mũi nhọn xuất khẩu như hồi, ớt. Một cách làm mà cấp uỷ, chính quyền tập trung chỉ đạo là tạo ra không khí thi đua hăng say lao động sản xuất, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó đã xây dựng được hàng chục điển hình tiên tiến, hiến hàng ngàn mét đất cho làm đường, xây dựng nông thôn mới.
Về Chi Lăng đúng dịp kết thúc một năm sản xuất, nhân dân đang tích cực làm đất cho một vụ mới, chúng tôi được chứng kiến một không khí lao động sản xuất hăng say để hình thành nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế tổng hợp, công nghiệp phụ trợ. Tuy đây mới chỉ là chặng đường đầu, nhưng nó báo hiệu một hướng đi đúng phù hợp với miền núi đá. Và đây cũng chính là tín hiệu vui báo hiệu sự đổi thay trên miền đất Ải anh hùng.
Bài, ảnh: Nguyễn Đông Bắc
Ý kiến ()