Đổi thay nơi cửa khẩu
LSO- Những năm gần đây, kinh tế cửa khẩu đang dần khẳng định vai trò, vị thế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới.
Làn đường đôi nối với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh
Đến Cửa khẩu Bình Nghi, thuộc xã Đào Viên (Tràng Định) có thể thấy được sự đổi thay nơi đây. Sinh sống tại thôn Pác Lạn, xã Đào Viên hàng chục năm nay, anh Hoàng Văn Bảy cảm nhận rõ hơn ai hết sự “thay da đổi thịt” của mảnh đất vùng biên này. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Bảy chia sẻ: “Trước đây, giao thông đi lại khó khăn, đường đất trơn trượt, lầy lội, khi mưa và nắng lên thì bụi mù mịt. Hoạt động xuất, nhập khẩu đơn điệu, vắng vẻ. Từ khi được đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, ban hành cơ chế, chính sách, người dân được tạo điều kiện qua lại cửa khẩu để giao thương, chúng tôi cũng thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất kinh doanh, đời sống đã ổn định hơn”.
Hiện tại, Cửa khẩu Bình Nghi đã và đang được triển khai đầu tư các công trình dự án: tòa nhà liên hợp, đường giao thông, điện cao áp hai bên trục đường chính vào cửa khẩu, bãi đỗ xe, hệ thống các dịch vụ nhà hàng ăn uống,… sau khi hoàn thành thì Bình Nghi sẽ trở nên sầm uất hơn và dần khẳng định được vị thế kinh tế cửa khẩu.
Là đại diện một trong các doanh nghiệp hoạt động lâu năm tại cửa khẩu Chi Ma, anh Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Minh (công ty đầu tư kho bãi xếp dỡ hàng hóa tại cửa khẩu) cho biết: khu vực cửa khẩu Chi Ma đang thay đổi từng ngày, không còn những khu đất hoang vu đầy sỏi đá, người qua lại thưa thớt, mà thay vào đó là khu cửa khẩu được đầu tư phát triển với khu chợ trung tâm thương mại, khách sạn, hệ thống đường giao thông, đèn điện chiếu sáng, công viên cây xanh,… Qua đó, người dân nơi đây đã ngày càng nhạy bén với kinh tế thị trường, hòa nhập với không khí buôn bán sôi động, cuộc sống ấm no hơn.
Xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng)
Để đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, cơ sở hạ tầng khu cửa khẩu được đầu tư mạnh mẽ. Năm 2016, khu cửa khẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư, theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, năm 2016, Ban quản lý được giao làm chủ đầu tư 23 dự án với nguồn vốn đầu tư là 160,9 tỷ đồng. Trong đó, tập trung đầu tư vào các cửa khẩu như: đường phục vụ xuất, nhập khẩu, đấu nối từ cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng với Khu kiểm soát Khả Phong (Trung Quốc); đường bản Giểng (nối từ đường Chi Ma – Tú Mịch sang Co Sa), huyện Lộc Bình; cải tạo, nâng cấp đường Tú Mịch – Nà Căng, huyện Lộc Bình; cổng Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng; điện chiếu sáng đường Pắc Luống-Tân Thanh (đoạn Pắc Luống – Đồn Biên phòng Tân Thanh);…
Từ sự đổi thay của các cửa khẩu ngày càng thu hút các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, đầu tư vào địa bàn tỉnh. Năm 2015, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 3.660,3 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ 2014. Tính riêng trong quý I/2016, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 640 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 340 triệu USD.
Ông Trần Tiến Minh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, sự phối hợp của ngành chức năng, khu vực cửa khẩu ngày càng được phát triển, nhất là về cơ sở hạ tầng. Qua đó thu hút các tổ chức, cá nhân vào đầu tư hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh doanh thương mại, tạo việc làm cho người lao động và nâng cao đời sống của nhân dân biên giới. Đây là điều kiện quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bài, ảnh: ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()