Đổi thay đất ải Chi Lăng
LSO-Trước đây huyện Chi Lăng luôn được xếp vào vùng đất khó của toàn tỉnh. Địa hình không thuận, diện tích đất canh tác ít. Số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao. Vào mùa mưa nhưng những hộ dân vùng đèo núi đá vẫn thiếu nước sạch…
LSO-Trước đây huyện Chi Lăng luôn được xếp vào vùng đất khó của toàn tỉnh. Địa hình không thuận, diện tích đất canh tác ít. Số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao. Vào mùa mưa nhưng những hộ dân vùng đèo núi đá vẫn thiếu nước sạch… Nhưng đấy là câu chuyện của một thời xa cũ, giờ đây Chi Lăng đang phát huy nội lực vững bước đi lên.
Nông dân xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng xuất bán dưa hấu |
Tháng 7 này, tôi có dịp rong ruổi trên tuyến Quốc lộ 1A cũ để về thăm đất ải Chi Lăng. Đồng hành cùng tôi là những tiếng cười trong trẻo của những học trò vừa trải qua kỳ thi đại học trở về. Hai bên đường từng cánh đồng rực vàng cuối vụ. Những rừng na thay áo mới cho trái ngọt đầu mùa. Lần nào cũng vậy, gặp tôi anh Vy Văn Thuận, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chi Lăng hào hứng vẽ lại bức tranh của toàn huyện qua một mùa sản xuất. Vụ xuân hè năm nay, Chi Lăng thắng lớn vì diện tích gieo trồng đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng diện tích đạt 6.452,8ha, riêng lúa gieo trồng trên 1.159,69 ha, vượt 3,45% kế hoạch. Qua gặt mẫu năng suất đạt 54,5 tạ 1 ha. Chỉ tiêu về công nghiệp dịch vụ, thu ngân sách so với kế hoạch đều vượt. Điều đó khẳng định sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân toàn huyện đã vượt khó giành thắng lợi trong vụ xuân hè. Với mục tiêu dồn sức cho thu ngân sách, huyện đã tập trung chỉ đạo thu xong thuế môn bài, triển khai các biện pháp chống thất thu, tăng thu, kiểm soát thu… Tất cả những biện pháp ấy được tiến hành đồng bộ nên đã mang lại hiệu quả cao.
Tính đến nay toàn huyện đã thu đạt trên 12 tỷ đồng đạt 55,4% dự toán, tăng 0,95% so với cùng kỳ. Đây là con số khá ấn tượng khi mà đầu năm nguồn thu cực kỳ khó khăn. Năm nay huyện tập trung tổng lực xây dựng nông thôn mới, tạo ra điểm nhấn để hình thành mô hình trực quan. Đã cứng hóa 1.910m đường bê tông. Nạo vét 3.681 km kênh mương đảm bảo nước tưới cho sản xuất. Nhiều công trình phục vụ dân sinh như nước sạch, đường giao thông được đưa vào sử dụng. Mô hình nuôi lợn nái ở xã Chi Lăng đã tổng kết và nhân rộng. Mô hình trồng ớt đã tăng lên đạt 120 ha, nhiều cơ sở chế biến ớt, hồi, nông sản xuất khẩu đã vươn ra bên ngoài, nâng tầm thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp Chi Lăng. Chỉ trong 7 tháng huyện đã tiến hành khởi công hàng chục công trình; nước sạch phân tán, đường giao thông, phòng học với giá trị đạt 6,415 tỷ đồng, vốn hỗ trợ xây dựng trụ sở xã 4,656 tỷ đồng, vốn sự nghiệp của huyện 1,7 tỷ đồng…
Cũng theo anh Vy Văn Thuận, huyện đang tìm mọi cách phát huy thế mạnh địa phương. Đó là sản xuất vật liệu phục vụ công nghiệp, tập trung cây mũi nhọn xuất khẩu như hồi, ớt. Một cách làm mà cấp uỷ chính quyền tập trung chỉ đạo chính là tạo ra không khí thi đua hăng say lao động sản xuất, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó đã xây dựng được hàng chục điển hình tiên tiến vì cộng đồng… Những mô hình chế biến hồi, ớt xuất khẩu, nuôi lợn nái, khai thác thế mạnh công nghiệp ngày càng nhiều. Đây sẽ là bước tạo đà để Chi Lăng đi lên trong một tương lai gần.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()