LSO-Xưa, Bắc Ái chẳng khác nào hoang đảo giữa đất liền. Nhắc tới đèo Khau Hương, con đường độc đạo qua trung tâm xã, ai cũng ngán. Sợi dây duy nhất nối liền giữa Bắc Ái với trung tâm như sợi chỉ vắt ngang qua sườn núi. Chẳng thế mà Bắc Ái đã từng là xã khó khăn vào bậc nhất của huyện Tràng Định. Mô hình chăn nuôi lợn ở Bắc Ái ngày càng được nhân rộngHơn 20 năm trôi qua mà tôi vẫn mãi ấn tượng, mỗi lần theo cha qua đèo Khau Hương, người lại run bắn. Những eo cua bám theo triền núi trơ sỏi đá, bên núi cao, bên là vực thẳm, khiến cho đường đèo như hun hút giữa thinh không. Đường vào hiểm trở thế, nên mặc dù chỉ cách thị trấn Thất Khê có hơn chục cây số mà nghe Bắc Ái thật xa xôi, diệu vợi. Ấy vậy mà giờ đây, vùng khó năm nào đã khác trước quá nhiều. Khau Hương xưa, giờ là con đường tỉnh 226 trải nhựa phẳng lỳ, bao dốc cao, bao vực thẳm sức người đã san bằng, gạt phẳng. Đoạn đèo hiểm trở hồi...
LSO-Xưa, Bắc Ái chẳng khác nào hoang đảo giữa đất liền. Nhắc tới đèo Khau Hương, con đường độc đạo qua trung tâm xã, ai cũng ngán. Sợi dây duy nhất nối liền giữa Bắc Ái với trung tâm như sợi chỉ vắt ngang qua sườn núi. Chẳng thế mà Bắc Ái đã từng là xã khó khăn vào bậc nhất của huyện Tràng Định.
Mô hình chăn nuôi lợn ở Bắc Ái ngày càng được nhân rộng
Hơn 20 năm trôi qua mà tôi vẫn mãi ấn tượng, mỗi lần theo cha qua đèo Khau Hương, người lại run bắn. Những eo cua bám theo triền núi trơ sỏi đá, bên núi cao, bên là vực thẳm, khiến cho đường đèo như hun hút giữa thinh không. Đường vào hiểm trở thế, nên mặc dù chỉ cách thị trấn Thất Khê có hơn chục cây số mà nghe Bắc Ái thật xa xôi, diệu vợi. Ấy vậy mà giờ đây, vùng khó năm nào đã khác trước quá nhiều. Khau Hương xưa, giờ là con đường tỉnh 226 trải nhựa phẳng lỳ, bao dốc cao, bao vực thẳm sức người đã san bằng, gạt phẳng. Đoạn đèo hiểm trở hồi nào giờ chỉ còn là con dốc thoai thoải. Nom xa, có người ví chẳng khác nào đường lên khu du lịch Mẫu Sơn. Giờ thì Bắc Ái lại ở vị trí quá thuận, điểm giữa nối liền thị trấn Thất Khê với Văn Mịch, nằm ngang con đường huyết mạch thông thương từ giữa Bình Gia và các địa phương lân cận khác với Tràng Định. Đây cũng là phần quan trọng tạo nên sức bật của vùng khó.
Nhà bà Dương Thị Khé, thôn Khau Vai, trước kia nằm ngày bên sườn Khau Hương. Đường hiểm nên muốn mua vài con gà, con lợn về nuôi đã khó, nuôi lớn rồi muốn bán lại càng khó hơn. Mà ở cái đất này, ruộng cứ bé tí ti bằng bàn tay, nên làm lụng quanh năm cũng chỉ mong đủ ăn, nào còn tâm trí đâu để tính làm giàu. Thế nhưng năm 2008, khi tỉnh lộ 226 hoàn thành, đường ra trung tâm đã thuận, gia đình bà đầu tư chăn nuôi hàng hóa, tính riêng từ nuôi lợn, mỗi năm bà thu lợi nhuận 40-50 triệu đồng. Cũng nhờ con đường, gia đình anh Triệu Long Tinh, thôn Khau Luông lại kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm cũng thu lãi từ 35-40 triệu đồng. Chẳng những thế, khi sản xuất hiệu quả những gia đình như anh Tinh, bà Khé lại cho bà con lối xóm vay vốn để phát triển sản xuất mà chẳng tính lãi, thế nên số hộ thoát nghèo ở Bắc Ái cứ tăng lên nhanh chóng. Tính trong vòng vài năm trở lại đây, toàn xã có 2 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hơn 20 hộ làm ăn khá – những con số ấn tượng của xã đặc biệt khó khăn.
Ông Dương Văn Huyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã cười tươi: anh lâu chưa ghé qua nên không biết, giờ Bắc Ái đang thay đổi từng ngày, điều quan trọng là tư duy sản xuất của bà con đã chuyển biến mạnh mẽ. Ngày trước khó khăn nên đưa ra mô hình nào cũng bất thuận, giờ thì chỉ cần một người trồng rừng, chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả là bà con vận dụng làm theo ngay. Như trước kia vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng là chuyện không tưởng, nhưng giờ thì dân tự nguyện làm. Trong vòng 3 năm trở lại đây, cùng với các chương trình hỗ trợ của nhà nước, nhân dân Bắc Ái đã đóng góp trên 25.000 ngày công lao động và hơn 140 triệu đồng để mở mới hàng chục km đường giao thông nông thôn từ Kéo Sách, Pò Muồng, Khuổi Vai tới Khau Luông. Ông Huyên cho biết: Vì thưa dân, nên số tiền mỗi hộ bỏ ra không phải ít, có hộ đóng góp cả chục triệu đồng. Có trường hợp tính hết cả tài sản trong nhà không nổi chục triệu mà họ vẫn dám ký sổ với nhà thi công, họ tính có đường rồi thì chỉ 1-2 vụ sản xuất là trả được nợ ngay. Mà đúng thật, những trường hợp đó đều vươn lên rất nhanh, chẳng nói gì đến tiền mở đường, số tiền vay vốn từ ngân hàng để phát triển sản xuất trong vòng 5 năm qua, Bắc Ái không có nợ xấu.
Đất Bắc Ái vẫn còn nhiều khó khăn, thuộc hàng xã 135. Toàn xã có 10 thôn, bản thì 2 thôn chưa có đường giao thông, 5 thôn chưa có điện lưới. Theo tiêu chí mới, hộ nghèo năm trước là trên 71%. Thế nhưng cái được của vùng khó là ý chí quyết tâm, vươn lên làm giàu chính đáng của người dân. Đó chính là nền tảng để xã có những bước tiến vững chắc. Theo thông báo của lãnh đạo UBND xã, thì mới vừa rồi rà soát xong, hộ nghèo của xã đã giảm 7,6% so với năm trước. Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, nghe Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Thị Hoa Sinh thông tin: trong đề án nâng cấp lưới điện trên địa bàn tỉnh đã có tên Bắc Ái. Rồi thì chương trình xây dựng trụ sở xã Bắc Ái cũng đã được ghi danh. Vẫn biết là cũng phải một thời gian nữa, những chương trình ấy mới triển khai đến xã, nhưng chừng ấy cũng để nhen lên trong mỗi người dân nơi đây những hy vọng để rồi từ đó nội lực được phát huy.
Đứng trên đỉnh đèo, anh Chủ tịch Hội Nông dân xã chỉ tôi xem những vạt rừng xanh thẫm, vạch kế hoạch tỉ mỉ về chương trình xây dựng nông thôn mới. Gió mùa về, cái lạnh thốc tới từng đợt mà lòng người vẫn chộn rộn, hân hoan trước những đổi thay của quê hương.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()