Ðời sống văn hóa tinh thần cho nông dân miền núi, vùng cao, biên giới
Cuộc sống của nông dân miền núi, vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều khó khăn cả vật chất và tinh thần. Người nông dân đang sinh sống ở địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới hiện không chỉ gặp khó khăn, thiếu thốn về vật chất. Họ còn chịu cảnh thiếu cả "sân chơi" văn hóa, tinh thần. Thiếu "sân chơi", thiếu điểm tựa, thiếu định hướng về mặt tinh thần, người nông dân dễ sa vào những tệ nạn xã hội. Nguy hiểm hơn họ dễ bị những kẻ xấu lợi dụng, kích động dẫn đến hành động đi lệch với quy chuẩn văn hóa dân tộc, gây tổn hại đến lợi ích của đất nước.Khoảng trống văn hóa, tinh thầnTrong quá trình xây dựng, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương luôn chú trọng, ưu tiên đặc biệt cho khu vực miền núi, vùng cao, biên giới của Tổ quốc. Chủ trương đó được hiện thực hóa bằng các chính sách, đặc biệt đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội, làm nên bức tranh sinh...
|
Khoảng trống văn hóa, tinh thần
Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương luôn chú trọng, ưu tiên đặc biệt cho khu vực miền núi, vùng cao, biên giới của Tổ quốc. Chủ trương đó được hiện thực hóa bằng các chính sách, đặc biệt đã và đang làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế – xã hội, làm nên bức tranh sinh động ở những vùng khó khăn này. Đó là, những chính sách như: Chương trình 135, các nội dung đầu tư Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững… đem lại hiệu quả to lớn, giá trị nhân văn sâu sắc.
Cùng với quá trình đầu tư về cơ sở hạ tầng, Nhà nước cũng luôn chú trọng triển khai có chiều sâu nhiều hoạt động, hình thức, loại hình văn hóa khác nhau nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho nhân dân. Đó là việc đầu tư trang thiết bị phủ sóng thông tin, nghe nhìn như đài truyền hình, đài phát thanh, sóng điện thoại, báo chí… cho nhân dân.
Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại đó là quá trình triển khai vẫn còn chậm, thiếu chiều sâu, chưa theo kịp nhu cầu hưởng thụ của người dân nói chung và người nông dân sinh sống ở địa bàn này nói riêng. Chúng ta phải khẳng định rằng “Đề án cấp phát báo miễn phí cho đồng bào dân tộc” của Chính phủ là một chủ trương lớn, đúng đắn, hợp lòng dân. Thế nhưng, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập. Đó là “hiện tượng” các đầu báo, tờ báo được cấp chỉ về đến trung tâm xã, cán bộ xã, khó lòng đến tận tay người dân. Trong khi đó, việc đọc, truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội dung, thông tin trong các tác phẩm báo chí của cán bộ địa phương đến với người dân gần như không thể thực hiện được hoặc không có chiều sâu, đặc biệt rơi vào những bản, làng vùng biên giới hẻo lánh, nơi có sự phân bố dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn.
Có một thực tế khác, hiện nay 100% số xã, phường, thị trấn của cả nước có nông dân đều có tổ chức hội; 100% số thôn, ấp, bản có chi, tổ hội là nơi tập hợp nông dân. Tuy nhiên ở nhiều nơi, tổ chức này cũng mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất. Còn việc định hướng, tổ chức để người dân có được các hoạt động vui chơi lại chưa được chú ý. Bằng chứng là những trò chơi dân gian, nét sinh hoạt văn hóa gần gũi với đời sống sản xuất nông nghiệp bao đời của người nông dân đang bị cuộc sống hiện đại làm cho mai một, biến tướng. Trong khi những nét văn hóa mới chưa kịp đi sâu, phổ biến rộng rãi, thói quen đọc báo, đọc sách xem ra vẫn là khái niệm quá xa vời. Cho nên đa phần người dân sinh sống ở những địa bàn vùng núi, vùng cao, biên giới hằng ngày gần như chỉ biết đầu tắt mặt tối với việc mưu sinh. Nhu cầu được vui chơi, giải trí vẫn là “khoảng trống” quá lớn. Điều đó đang làm cho người nông dân ở đây thiếu điểm tựa tinh thần, bị mất phương hướng trong quá trình phát triển, hưởng thụ văn hóa, tinh thần.
Điểm tựa của lòng dân
Người dân sinh sống ở địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới trong đó có một bộ phận không nhỏ là đồng bào các dân tộc thiểu số, với mặt bằng văn hóa còn thấp, nhận thức còn hạn chế. Trong lúc mất phương hướng phát triển văn hóa tinh thần, họ dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội, bị các luồng tư tưởng “lạ” lôi kéo.
Có một thực tế buồn, đó là trong những năm gần đây, tệ nạn xã hội đang có xu hướng bùng phát ở miền núi, vùng cao, biên giới. Đau lòng hơn là tình trạng người nông dân nghèo bị sa đà vào cờ bạc, nghiện hút, vận chuyển, buôn bán ma túy dẫn đến tan cửa nát nhà. Xét cho cùng, cũng chỉ vì đói nghèo, thiếu hiểu biết, không được hưởng những nhu cầu thiết yếu nhất về mặt tinh thần cho nên bị kẻ xấu rủ rê lợi dụng. Mặc dù sau đó họ được chính quyền địa phương tổ chức đi cai nghiện, cải tạo nhưng khi trở về lại theo con đường cũ chỉ vì không có việc làm, không thể hòa nhập cộng đồng và rơi vào bế tắc trong tư tưởng. Họ lại tụ tập rượu chè rồi tái nghiện lúc nào không biết. Thực trạng này đang tồn tại gần như ở tất cả những địa bàn khó khăn của nước ta từ các tỉnh Tây Bắc, đến các huyện vùng cao phía tây các tỉnh miền trung như Thanh Hóa, Nghệ An…
Đặc biệt trên địa bàn biên giới các tỉnh Tây Bắc nước ta trong vài năm trở lại đây đang xuất hiện tình trạng nhân dân từ bỏ nét văn hóa thờ cúng tổ tiên, những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc để tin theo các tín ngưỡng khác. Thực chất đây là do các thế lực thù địch lợi dụng khoét sâu vào nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân để tuyên truyền, lôi kéo, truyền đạo trái pháp luật; thậm chí kích động đồng bào tụ tập đông người gây mất tình hình an ninh trên địa bàn dân cư…Tình trạng này tập trung nhiều nhất ở trong đồng bào dân tộc Mông. Cao điểm nhất là vụ đồng bào Mông ở Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và các địa bàn lân cận đã tập trung đông người ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để đón “Vua Mông” và thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông” vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2010. Tất nhiên, với sự vào cuộc vận động, giải thích của chính quyền địa phương, bà con đã tự giác ra về vì biết mình bị kẻ xấu lừa dối. Sau sự việc này, một số đối tượng cầm đầu bị đưa ra xét xử theo pháp luật nhưng trước tòa họ cũng khai nhận mình là những nông dân không biết chữ và không nhận thức được hành động của mình là nguy hiểm cho xã hội. Sự việc một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy người nông dân ở những địa bàn khó khăn có nhu cầu được hưởng thụ văn hóa, tinh thần lớn như thế nào? Trong lúc mất phương hướng, người nông dân, nhất là nông dân dân tộc thiểu số đã bị kẻ xấu dùng những luận điệu xảo trá để lừa bịp, kích động họ có những hành động phục vụ cho mục đích sai trái của chúng.
Thiết nghĩ bên cạnh việc tập trung triển khai các chương trình, dự án nâng cao đời sống vật chất thì Đảng, Nhà nước, các địa phương cần có biện pháp có chiều sâu tập hợp, tạo điểm tựa vững chắc về tinh thần, định hướng để người nông dân được hưởng thụ những điều kiện văn hóa, tinh thần thiết yếu. Trong đó, chú trọng gìn giữ, khôi phục, tổ chức thường xuyên những trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa gần gũi với đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Có như vậy người nông dân ở những địa bàn khó khăn này mới có khả năng “đề kháng” trước những luận điệu xấu của các thế lực thù địch.
Theo Nhandan
Ý kiến ()