Đội ngũ nhà giáo là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược giáo dục
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học khẳng định khâu then chốt của việc đổi mới căn bản toàn diền nền giáo dục nước nhà chính là việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Việc thay đổi các chính sách, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên… cần phải làm ngay. Đây được xem là “đòn bẩy” trong quá trình đổi mới.
Nhiều áp lực với nghề giáo
Nhận đinh về vai trò của giáo viên trong nền giáo dục nước nhà, bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước khẳng định, trong các nhân tố bảo đảm chất lượng cho giáo dục phổ thông thì phẩm chất và năng lực của người thầy giữ vai trò quyết định. Là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Bình chỉ ra, đến nay, vấn đề giáo viên chưa một lần được giải quyết căn cơ, thấu đáo, khiến cho tất cả những mong muốn đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục ở nhà trường phổ thông đều khó thực hiện. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học có uy tín đã bày tỏ sự lo ngại, nếu lần này tiếp tục không giải quyết những tồn đọng tích tụ về vấn đề giáo viên – là lực lượng chủ lực của ngành giáo dục – thì không thể có chuyển biến căn bản, toàn diện nào, bởi đội ngũ giáo viên hiện có bất cập trước những kỳ vọng của xã hội và trình độ phát triển của khoa học giáo dục hiện đại.
Trong một kết quả khảo sát “Thực trạng lao động sư phạm của giáo viên phổ thông ở 27 trường tiểu học, THCS, THPT thuộc 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam tiến hành cuối năm 2010 của PGS. TS Trần Kiều, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, lao động sư phạm của giáo viên không chỉ kéo dài thời gian trong ngày mà còn căng thẳng vì chịu nhiều áp lực từ cấp quản lý, cha mẹ học sinh, học sinh và cộng đồng. Trong đó tiền lương không tương xứng với lao động sư phạm của họ, ở vùng thành phố không đảm bảo được mức sống trung bình của địa phương. Tình trạng giáo viên vùng khó khăn như: Tây Ninh, Đắc Lắc, Lạng Sơn còn bi đát hơn. Kết quả cũng cho biết, quá nửa giáo viên THCS và THPT không muốn làm nghề dạy học nữa. Lý do đưa ra đều thống nhất: lương thấp và công việc quá căng thẳng, chịu nhiều áp lực.
“Điều đó có nghĩa là nếu không có sự thay đổi quyết liệt ngay từ bây giờ, thì đội ngũ giáo viên phổ thông chắc chắn sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục sau 2015 theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa và xã hội hóa giáo dục” – Bà Nguyễn Thị Bình khẳng định.
Thay đổi chính sách với nhà giáo – việc cần làm ngay
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, muốn phát triển đội ngũ giáo viên thì trước hết phải sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực của ngành giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng tuyển sinh vào ngành sư phạm và đại học hóa giáo viên.
Giải pháp thứ hai được bà Nguyễn Thị Bình đưa ra là vấn đề các trường đại học sư phạm cần được sắp xếp lại thành một hệ thống có chung chiến lược phát triển. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất có chính sách thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có năng lực cho các đại học sư phạm. Thứ ba, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng chuyển từ mô hình đào tạo một lần sang mô hình đào tạo căn bản, ban đầu kết hợp với đào tạo bổ sung, thường xuyên theo chu kỳ đều tập trung phát triển ở người học phẩm chất nhà giáo, kiến thức tổng quát, chuyên môn và sư phạm, năng lực giảng dạy và giáo dục cùng các năng lực mới mà nhà giáo chuyên nghiệp phải có, kỹ năng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người, ý thức trách nhiệm đối với tiến bộ về xa hội, văn hóa và kinh tế. Trong chương trình đào tạo căn bản ưu tiên gia tăng về thời lượng và điều kiện bảo đảm cho các hoạt động kiến tập, thực tập giáo dục tại nhà trường phổ thông. Thứ tư, sửa đổi chính sách về tiền lương và phụ cấp đồng thời cải thiện điều kiện làm việc để tạo động lực hoạt động nghề nghiệp cho giáo viên… Thứ năm xây dựng và ban hành Luật nhà giáo và nghề dạy học, đặc biệt là xác lập chuẩn mực pháp lý về phẩm chất, năng lực của nhà giáo và những người tham gia quản lý nhà trường.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thì cần tiến hành quy hoạch đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên. Xác định yêu cầu bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Nhà giáo có quyền lợi và trách nhiệm được bồi dưỡng nâng cao trình độ. Hoàn thiện chế độ tập huấn bồi dưỡng giáo viên, dự trù kinh phí thường xuyên, đưa kinh phí và bồi dưỡng giáo viên vào dự tóan của chính quyền. Thực hiện cứ 3 năm hoặc 5 năm một lần tập huấn cho toàn thể giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp và năng lực dạy học cho giáo viên. Xây dựng chế độ giảng viên, giáo viên, giáo sinh định kỳ xuống cơ sở giáo dục họat động thực tiễn. Thúc đẩy hợp tác liên ngành, liên cơ quan, hình thành đội ngũ nghiên cứu khoa học và giảng dạy trình độ cao, thu hút các giáo viên chuyên tâm nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản, giảng dạy. Song song với đó là đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giảng viene đại học, cao đẳng…
Ý kiến ()