Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phải có cơ chế ưu đãi thích đáng
Chiều 20/12, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp Hội vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam đã tổ chức Họp báo thông tin về Hội thảo khoa học “Một số chủ trương và biện pháp góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” đã được tổ chức trong 2 ngày (19 và 20/12).
Tại buổi họp báo, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, Hội thảo đã có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục để đóng góp những ý kiến cụ thể nhằm tìm biện pháp nhanh chóng đưa Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế” sớm đi vào cuộc sống, thay đổi nhanh chóng tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ thông tin tại buổi họp báo chiều 20/12. Ảnh: VA |
Về chương trình, sách giáo khoa và đổi mới phương pháp giáo dục, cần phải tích hợp cao ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên; giảm dần số môn bắt buộc, tăng môn học và hoạt động tự chọn. Đặc biệt, sách giáo khoa, tài liệu dạy và học phải phù hợp với từng đối tượng, chú ý học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật.
Để thực hiện tốt vấn đề này, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, khả năng tiếp nhận mỗi loại kiến thức khác nhau, phụ thuộc vào từng giai đoạn tuổi tác, do đó cần phải có chương trình, sách giáo khoa phù hợp. Mặt khác, các môn: Triết học, toán học, ngoại ngữ và âm nhạc cần được đưa vào giao đoạn rất sớm ở giáo dục phổ thông. Nếu chưa thể tự phát triển công nghệ, thì có thể sử dụng các công nghệ từ các nền giáo dục tiên tiến và điều chỉnh cho thích hợp với giáo dục của Việt Nam.
Về phần kiểm tra, đánh giá, thi cử, nhiều ý kiến có điểm chung, cần tập trung làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay từ năm 2014, làm cơ sở để tuyển sinh đại học. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi vào các trường làm rất chính xác và chất lượng. Ngoài ra, có thể xét tốt nghiệp THPT căn cứ vào điểm số các môn trong 3 năm học phổ thông kết hợp với điểm thi tốt nghiệp; giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh.
Về phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, các ý kiến đề xuất: Nhà nước quản lý hệ thống trường sư phạm và học viện quản lý giáo dục; nghiên cứu để quy hoạch số lượng các trường sư phạm cụ thể, có thể, cả nước chỉ cần 20 trường. Bên cạnh đó, Nhà nước đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện để nuôi dạy sinh viên sư phạm theo chế độ nội trú, không chỉ dạy và học kiến thức, kỹ năng mà rèn cả nề nếp, đạo đức nghề giáo; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi được tuyển thẳng vào biên chế. Hiện có cả triệu giáo viên các cấp cần phải đào tạo bồi dưỡng lại để phục vụ đổi mới. Cần phải làm dần dần, chẳng hạn 10% đào tạo lại mỗi năm với thời gian đào tạo 1 năm tại các trường sư phạm đủ chuẩn.
Mặt khác, nhiều ý kiến tán thành, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý phải có cơ chế ưu đãi thích đáng. Lương giáo viên ở bậc cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thêm phụ cấp (tính chất công việc, vùng miền).
Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, có nhiều ý kiến đồng tình, giáo dục phổ thông nên là 11 năm (thay vì 12 năm như hiện nay) trong đó, bậc tiểu học và THCS là 9 năm; THPT là 2 năm. Ngay bậc THPT nên phân 3 luồng gồm: Trường THPT mục tiêu đào tạo tiếp lên ĐH, CĐ (có thể chiếm 50%) học 2 năm; trường trung cấp chuyên nghiệp học 2 năm và trường đào tạo nghề ngắn hạn thì thời gian tùy theo từng loại nghề. Lợi ích của hệ thống giáo dục phổ thông 11 năm là tiết kiệm 1/12 ngân sách hiện chi cho giáo dục phổ thông.
Ý kiến ()