Đội ngũ giáo viên Lạng Sơn khẳng định sức trẻ và tài năng
LSO-Bước sang thế kỷ thứ XXI, đổi mới phương pháp giảng dạy là yêu cầu bắt buộc để nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục theo xu hướng hiện đại và hội nhập. Cơ hội dành cho đội ngũ giáo viên trẻ được mở ra và họ đã từng bước khẳng định tài năng của mình.
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tặng hoa tri ân các cô giáo nhân ngày 20/11 – Ảnh: THANH SƠN |
Trong Hội giảng các môn Khoa học xã hội cấp THPT được Sở GD&ĐT tổ chức trong những ngày đầu tháng 11 vừa qua, trong 111 giáo viên tham gia, có tới 85 giáo viên thuộc “thế hệ 8X”,chiếm tỷ lệ 76,6% và có 95 giáo viên có thâm niên nghề từ 10 năm trở xuống, chiếm tỷ lệ 85,6%. Trong danh sách giáo viên tham gia dự thi, chúng tôi thấy có cô giáo mới 25 tuổi, như cô Đàm Thị Hà Lan, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT Lương Văn Tri sinh năm 1988, vào nghề năm 2010 và 3 năm liền là giáo viên giỏi cấp trường, trong hội thi cấp tỉnh lần này cô đã đạt danh hiệu giáo viên Giỏi cấp tỉnh. Cô giáo Hoàng Thị Khánh Xuân, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An, sinh năm 1980, có 11 tuổi nghề, 3 năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường, trong đợt thi lần này cô đã giành danh hiệu giáo viên Giỏi xuất sắc. Tâm sự tại hội thi, cô cho rằng, trong những ngày dự hội thi cô đã “quên ăn, quên ngủ, quên việc nhà” để có thời gian tập trung vào các phần thi.
Thống kê của ngành GD&ĐT cho biết, cuối năm học 2012-2013 tổng số cán bộ giáo viên (CBGV) toàn ngành là 15.287 người, trong đó số CBGV có tuổi đời dưới 30 là 5307 người, chiếm tỷ lệ 34,7%, số CBGV có tuổi đời từ 30-50 là trên 9700 người chiếm tỷ lệ 63,5%. Sự trẻ hóa đội ngũ giáo viên là kết quả của việc thực hiện một loạt giải pháp và chính sách, trong đó công tác khảo sát, sàng lọc để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được thực hiện cách đây nhiều năm. Theo đó, nhiều nhà giáo có tuổi đời cao, sức khỏe yếu, trình độ chuyên môn không thể đáp ứng được việc đổi mới phương pháp đã được giải quyết chế độ hoặc chuyển làm các công việc khác, sẵn sàng nhường chỗ cho lớp trẻ.
Không phụ lòng thế hệ đi trước, đội ngũ nhà giáo trẻ luôn năng động, nhiệt tình trong công tác. Với ưu thế của người trẻ, họ đã tiếp cận nhanh với phương pháp giảng dạy mới, lấy người học làm trung tâm, khơi dậy tính sáng tạo và khả năng tư duy độc lập và kỹ năng làm việc nhóm. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Minh Châu, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho rằng, thế mạnh của giáo viên trẻ là công nghệ thông tin (CNTT), chỉ một “cú nhấp chuột”, họ đã có được tất cả những thứ họ cần, từ âm thanh, hình ảnh đến các bảng biểu. Sự sinh động đó được người dạy phối hợp nhịp nhàng và thống nhất trong một thiết kế giờ giảng, sẽ rất thành công. Trong năm học 2012-2013, số tiết giảng có sự tham gia của CNTT của toàn ngành đã chiếm trên 35%, trong các kỳ hội giảng vừa qua, số tiết giảng đạt loại khá, giỏi đều có sự tham gia của CNTT trong giáo án điện tử.
Tài năng được thể hiện qua sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học tự làm và việc giảng bài trên lớp, song để thành một nhà giáo chân chính theo đúng nghĩa của nó thì đức độ, phong cách sư phạm, lối sống là những mặt có sự ảnh hưởng lớn đến uy tín của người thầy. Về vấn đề này, thế hệ “nhà giáo 8X” luôn được lớp người trước dìu dắt và được ngành quan tâm bồi dưỡng. Đánh giá kết quả xếp loại CBGV năm học 2012-2013 cho thấy tỷ lệ hiệu trưởng được xếp loại từ khá đến xuất sắc là 88,8%, tỷ lệ này ở đội ngũ phó hiệu trưởng, phó giám đốc trung tâm là 85,6%, ở giáo viên là 85,7%. Đó là biểu hiện sự lớn mạnh và trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ giáo viên trẻ.
Ngày 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam, các thày cô giáo trẻ nhận từ tay học sinh của mình những bó hoa tươi thắm, và chính các thày cô giáo trẻ lại mang những bó hoa ấy đến tặng và chúc mừng những người thày của mình. Trong đáy sâu tâm hồn mình, những nhà giáo cao tuổi cảm thấy thật hài lòng vì lòng tin của các thầy đã không bị “đặt nhầm chỗ”.
Ý kiến ()