Đối ngoại tháng 4: Thúc đẩy việc sớm ký, phê chuẩn FTA, IPA với EU
Thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và ) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) là nội dung xuyên suốt trong chương trình nghị sự các chuyến công du châu Âu của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tháng 4.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Romania Viorica Dancila. |
Như tin đã đưa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức Romania và Cộng hòa Czech từ ngày 14-17/4. Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Cộng hòa Pháp; thăm làm việc tại Nghị viện châu Âu.
Việt Nam và EU chính thức tuyên bố khởi động đàm phán hiệp định EVFTA ngày 26/6/2012. Với tinh thần đàm phán tích cực, linh hoạt của cả EU và Việt Nam, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo hai bên, đàm phán đã tiến triển khẩn trương.
Sau gần 3 năm đàm phán, với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ ở các cấp Bộ trưởng, Trưởng đoàn và các nhóm kỹ thuật, hai bên đã ký Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA tại Brussel ngày 2/12/2015.
Tại các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU và Nghị viện EU vừa qua, phía EU đều khẳng định tầm quan trọng của EVFTA, hiệp định song phương thứ 2 giữa EU với một thành viên của ASEAN.
Cụ thể, nữ Thủ tướng Romania Viorica Dancila, nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của EU, khẳng định: “Trong thời gian lãnh đạo EU, Romania sẽ có những hành động cần thiết” để thúc đẩy việc ký chính thức Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), tạo động lực thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và EU nói chung và quan hệ Việt Nam và Romania nói riêng.
Các nhà lãnh đạo Cộng hòa Czech cũng khẳng định ủng hộ sớm ký kết Hiệp định EVFTA và EVIPA trong các cuộc hội đàm, hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Farrand khẳng định với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng: Pháp và Nghị viện Pháp ủng hộ việc sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA và hai bên cần hết sức tích cực để tranh thủ, thúc đẩy việc ký kết chính thức.
Thủ tướng Pháp Édouard Philippe khi đề cập đến EVFTA đã khẳng định Pháp luôn luôn ủng hộ Việt Nam và mong muốn hiệp định này sẽ sớm được ký kết, phê chuẩn.
Hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hạ viện Bỉ Siegfried Bracke cho biết các bên sẽ cân nhắc hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định trong thời điểm đầu nhiệm kỳ của Nghị viện châu Âu sắp tới đồng thời khẳng định “phía Bỉ sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy tiến trình này”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani. |
Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani khẳng định với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng trên cương vị của mình, ông sẽ làm tất cả để hồ sơ của EVFTA và IPA được tiến hành theo trình tự ưu tiên nhất.
Còn Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP Bernd Lange cho hay việc ký kết và phê chuẩn EVFTA có thể diễn ra vào tháng 6, tháng 7 tới, tức là sau khi Nghị viện châu Âu kết thúc bầu cử và bước vào nhiệm kỳ mới.
Cũng liên quan đến hai văn kiện này, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam ngày 9/4, đã chia sẻ nhận thức chung với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng EVFTA và EVIPA là các khuôn khổ quan trọng cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư bền vững và bao trùm giữa Việt Nam và EU, cũng như giữa Việt Nam và Hà Lan, đáp ứng lợi ích của tất cả các bên, đồng thời góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại quốc tế và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc ký và phê chuẩn các hiệp định này trong những tháng tới, cũng như việc nhanh chóng thực thi các hiệp định này, phù hợp với thủ tục yêu cầu để hiện thực hoá những lợi ích các hiệp định này mang lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị bàn tròn của Diễn đàn “Vành đai và Con đường”. |
Nền tảng để kết nối và phát triển bền vững
Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” lần thứ hai tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25-27/4.
Phát biểu tại hội nghị bàn tròn của diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao các nỗ lực thúc đẩy kết nối, liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường”; bày tỏ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Trung Quốc và các nước để xây dựng các hình thức hợp tác hiệu quả, cùng có lợi.
Thủ tướng cho rằng kết nối phải được thúc đẩy một cách toàn diện cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, bao gồm cả kết nối số, từ giao thông, năng lượng, thông tin viễn thông… đến kết nối con người.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm để hợp tác đem lại kết quả thực chất, lâu dài thì quan điểm của các quốc gia dù lớn dù nhỏ đều phải được tôn trọng, lắng nghe và các khác biệt được giải quyết bằng tham vấn, đối thoại.
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác cần bình đẳng, minh bạch, cởi mở, chân thành, cùng có lợi, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp quốc tế.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đó là những nền tảng cho kết nối và phát triển bền vững thành công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình |
Trong khuôn khổ chuyến công du, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hộ Ninh, tiếp một số doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc.
Tại các cuộc hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững; hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước./.
Ý kiến ()