Đối ngoại tháng 2: Một vị thế quốc gia mới
Các hoạt động đối ngoại diễn ra với tần suất dày đặc trong nửa cuối tháng 2/2019 cho thấy một Việt Nam với vai trò và vị thế rất mới trong khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội. |
Ngay từ khi Tổng thống Donald Trump thông báo sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Việt Nam và đặc biệt trong hai ngày diễn ra Hội nghị, Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới.
Chuyên gia Australia Carl Thayer cho rằng, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai bởi được cả Hoa Kỳ, Triều Tiên cùng các nước liên quan tin cậy.
Việt Nam, với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, đã chứng tỏ là một bên trung lập, có kinh nghiệm và năng lực tổ chức và bảo đảm an toàn, an ninh cho các hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo thế giới.
Theo nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, mặc dù hai bên không ra được tuyên bố chung vì không dễ dàng xử lý một vấn đề đã kéo dài hàng thập kỷ, nhưng có thể thấy những tín hiệu tích cực cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đang hướng tới những bước đi thực chất cho một giải pháp lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo sát sao và chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng nỗ lực tuyệt vời của các bộ, ngành và Hà Nội, Việt Nam tự hào khi thế giới đánh giá là quốc gia có trách nhiệm, tin cậy và đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của các sự kiện quốc tế quan trọng.
Cả lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều cảm ơn, đánh giá cao những đóng góp xây dựng, có trách nhiệm của Việt Nam, đồng thời cảm ơn lòng mến khách và sự chuẩn bị chu đáo của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, bởi trong thời gian rất ngắn, chưa đầy 2 tuần, Việt Nam vẫn kịp thời triển khai tất cả các công việc chuẩn bị từ lễ tân, an ninh, tổ chức, hậu cần đến cả những vấn đề chính trị đối ngoại nhạy cảm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại tiệc chiêu đãi |
Thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Triều
Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều có các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam nhằm thảo luận biện pháp tăng cường quan hệ song phương.
Với Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ rất chu đáo cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên mặc dù thời gian gấp rút; cho rằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần này tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng vì Việt Nam là một minh chứng tốt về những thành tựu có thể đạt được nếu có tư duy đúng.
Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tối ngày 26/2, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo khẳng định, Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới; mong muốn một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Nhân dịp này, hai bên đã ký một số thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng, tổng trị giá hơn 21 tỷ USD.
Với Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định, lập trường thống nhất và kiên định của Đảng, Nhà nước và nhân dân Triều Tiên là tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai Đảng và hai nhà nước, tin tưởng rằng chuyến thăm lần này sẽ là bước ngoặt quan trọng mở ra một trang mới trong việc phát triển mối quan hệ hữu nghị Triều Tiên-Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump trân trọng gửi lời mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ trong năm 2019 trong khi Chủ tịch Kim Jong Un cũng trân trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Triều Tiên vào thời gian thuận tiện.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni. |
Thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng ASEAN
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, thăm cấp nhà nước Campuchia.
Tại Lào, hai bên nhất trí tăng cường và không ngừng đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, định hướng cho tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai nước; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước.
Hai bên khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Lào và cộng đồng người Lào tại Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập phù hợp với pháp luật, quy định của mỗi nước và thông lệ quốc tế.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và nhất trí tăng cường trụ cột hợp tác về quốc phòng, an ninh nhằm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở mỗi nước; phấn đấu sớm hoàn thành việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới giữa hai nước; tiếp tục nỗ lực phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.
Nhân dịp này, hai bên đã ký kết 9 văn kiện hợp tác giữa hai nước, trong đó có Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ, Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Tài chính giai đoạn 2019-2020, Thỏa thuận về xây dựng và khai thác tuyến đường sắt Vũng Áng-Vientiane và một số thỏa thuận và biên bản hợp tác giữa các bộ, ngành của hai nước.
Tại Campuchia, hai bên nhất trí cho rằng việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài trên cơ sở các nguyên tắc đã được nêu trong các bản Tuyên bố chung Việt Nam-Campuchia là trách nhiệm chung của hai quốc gia và nhân dân hai nước vì sự phát triển bền vững và tương lai tươi sáng của cả hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác về vận tải đường thủy, vận tải đường bộ…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mauricio Macri. |
Động lực mới về quan hệ kinh tế Việt Nam-MERCOSUR
Từ ngày 19-21/2, Tổng thống Cộng hòa Argentina Mauricio Macri đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, hai bên nhất trí rằng một bản hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) sẽ mang lại những tác động kinh tế tích cực; thống nhất tiến hành nghiên cứu khả thi về việc đàm phán hiệp định này.
Argentina và Việt Nam tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống đa phương về thương mại tự do và mở, dựa trên luật lệ, tính công khai, minh bạch, lợi ích bao trùm, không phân biệt đối xử và bình đẳng, với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) làm trọng tâm.
Về quan hệ song phương, các nhà lãnh đạo hai nước cho rằng quan hệ hai nước tiếp tục phát triển thực chất và hiệu quả: Quan hệ chính trị ngày càng được tăng cường, trao đổi thương mại tăng gấp 2 lần từ 1,4 tỷ USD năm 2013 lên gần 3 tỷ USD năm 2018.
Các cơ chế Ủy ban hợp tác liên Chính phủ, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao được duy trì thường xuyên và hiệu quả. Hai nước phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hợp Quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas |
Chuyến thăm Đức thành công ngoài mong đợi
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có chuyến thăm Đức từ ngày 20-21/2 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas; gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Hans Peter Friedrich và tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier.
Tại các cuộc trao đổi, phía Đức đều bày tỏ ấn tượng với các thành tựu phát triển kinh tế xã hội và vị thế quốc tế của Việt Nam, nhất trí củng cố và gia tăng nội hàm quan hệ đối tác chiến lược trên các lĩnh vực trong thời gian tới; đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy việc ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong thời gian sớm nhất.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ đối tác chiến lược, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư với kim ngạch hai chiều năm 2018 đạt trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2017) và Đức tiếp tục là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại EU.
Đặc biệt, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã đích thân giới thiệu với đoàn Việt Nam tài liệu lịch sử liên quan đến quan hệ hợp tác giữa hai nước từ thế kỷ XIX là “Sắc lệnh ngày 26/4/1868 về việc bổ nhiệm ông Georg Niederberger làm lãnh sự Liên minh Bắc Đức tại Sài Gòn” mà phía Đức vẫn còn lưu giữ được. Điều này cho thấy sự trân trọng của phía Đức với bề dày quan hệ hai nước, và cũng là nền tảng để hai bên tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Minh Vũ cho biết.
Luôn sẵn sàng đóng góp tích cực cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Trong thời gian thăm chính thức Triều Tiên từ ngày 12-14/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Yong Ho và với Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Quốc tế Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Triều Tiên.
Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực cùng Triều Tiên thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và lợi ích của mỗi nước, quy định của mỗi nước cũng như quốc tế, vì hòa bình, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng khẳng đinh Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.
Về các vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình này.
Có thể thấy, những tín hiệu tích cực tr ong quan hệ song phương cùng với việc được lựa chọn là chủ nhà của sự kiện Hội nghị thượng đỉnh lần hai một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đồng thời phản ánh một vị thế rất mới của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước đảm đương những cương vị quan trọng tại các diễn đàn đa phương trong những năm tới.
Ý kiến ()