Đối ngoại Nhân dân Góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị
– Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhân dân. Qua đó, tăng cường hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn với bạn bè quốc tế.
Nhân dân xã Tam Gia, huyện Lộc Bình thăm hỏi cư dân biên giới Trung Quốc tại mốc biên giới hai nước
Những năm gần đây, tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động đối ngoại ở các cấp, các ngành nhằm thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với đối tác nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; mở rộng lĩnh vực hợp tác và đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Toàn tỉnh có 5 huyện với 21 xã, thị trấn, 73 thôn bản có đường biên giáp với Trung Quốc. Xuất phát từ những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa, tại các thôn, bản giáp biên từ nhiều đời nay, người dân ở hai bên biên giới thường có mối quan hệ thân tộc, gắn bó với nhau. Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng trên địa bàn đã chủ động tham mưu, thực hiện chương trình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới.
Thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình là một trong những cụm dân cư biên giới thực hiện kết nghĩa với cụm dân cư của Trung Quốc. Bà Hoàng Thị Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Khoái cho biết: Trên địa bàn xã hiện có cụm dân cư thôn Chi Ma kết nghĩa với cụm dân cư khu xã Ái Điểm, trấn Ái Điểm, huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc (từ tháng 12/2015). Trước thời điểm dịch bệnh COVID-19, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin giữa hai bên. Đơn cử, vào các ngày quốc khánh của 2 nước (2/9 và 1/10 hằng năm), các ngày hội, ngày lễ lớn, hai bên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, trao đổi thông tin, thăm hỏi lẫn nhau… Từ năm 2020, các hoạt động giao lưu qua lại giữa 2 cụm dân cư đều phải tạm dừng do dịch bệnh. Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát như hiện nay, dự kiến trong dịp quốc khánh 2/9 tới đây, cấp ủy, chính quyền xã sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nối cụm dân cư hai bên. Qua đó, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, khơi dậy tính thân tộc, dân tộc, dòng họ; giúp nhân dân hai bên có điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự khu vực giáp biên.
Bên cạnh thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư biên giới với Trung Quốc, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng tỉnh cũng tăng cường giao lưu, thực hiện ký kết hợp tác với các nước khác. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thực hiện ký kết 5 thỏa thuận hợp tác và cho phép cấp sở, ban, ngành ký kết 9 thỏa thuận với các đối tác nước ngoài về nhiều nội dung, lĩnh vực hợp tác thiết thực. Toàn tỉnh hiện có 5 huyện biên giới và thành phố Lạng Sơn thiết lập quan hệ huyện/thị hữu nghị quốc tế. |
Không chỉ cụm dân cư thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, theo số liệu thống kê của Bộ Chỉ huy đội Biên phòng tỉnh, toàn tỉnh hiện có 9 cụm dân cư thôn, bản, 2 xã kết nghĩa với các cụm dân cư của Trung Quốc. Tại các cặp cụm dân cư này, người dân hai bên đã thường xuyên nêu cao ý thức xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống của hai Đảng, hai Nhà nước và hai địa phương; truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc; thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau trong dịp lễ, tết, lúc ốm đau và giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng thôn, bản giàu đẹp.
Anh Tàng Văn Bộ, người dân thôn Nà Vang, xã Bính Xá, huyện Đình Lập cho biết: Từ khi thôn Nà Vang, xã Bính Xá và thôn Bản Tát, trấn Đồng Miên, huyện Ninh Minh, Quảng Tây, Trung Quốc thực hiện kết nghĩa, việc đi lại thăm thân của người dân hai bên thuận lợi hơn. Cùng đó, người dân hai bên cũng thường xuyên giao lưu, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hoá, truyền thống của dân tộc; giao lưu thể dục thể thao, văn hoá, văn nghệ cùng nhau xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển bền vững…
“Cao Lộc là huyện có trên 74 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân khu vực biên giới triển khai các hoạt động giao lưu, hợp tác bằng nhiều hình thức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh biên giới. Toàn huyện hiện có 2 thôn, 2 xã thực hiện kết nghĩa với cụm dân cư của Trung Quốc (là huyện có nhiều nhất các cụm dân cư kết nghĩa với Trung Quốc trên địa bàn tỉnh)… Ngoài ra, huyện cũng quan tâm, mở rộng giao lưu hợp tác và tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Đơn cử như năm 2018, huyện được tổ chức phi chính phủ Room to Read (Mỹ) tài trợ xây dựng mô hình thư viện thân thiện, được hỗ trợ bàn học và trên 2.000 cuốn sách cho học sinh trên địa bàn… Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại nhân dân; tăng cường tổ chức, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, hợp tác với các đối tác nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ. Qua đó, tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh, truyền thống lịch sử văn hóa, du lịch, thành tựu về kinh tế – xã hội của huyện đến bạn bè quốc tế; thúc đẩy hợp tác, hữu nghị, đoàn kết với các địa phương, các nước ngày càng bền chặt”. Ông Nguyễn Duy Anh, |
Cùng với thực hiện mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, những năm gần đây, tỉnh cũng chú trọng mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, giao lưu nhân dân với các địa phương khác của Trung Quốc như: Quảng Đông, Vân Nam và một số nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Đến nay, tỉnh đã bước đầu ký kết thiết lập quan hệ hợp tác với thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), tỉnh Gangwon (Hàn Quốc); thiết lập, mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với một số cơ quan, tổ chức và địa phương nước ngoài. Tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đến thăm, khảo sát tìm hiểu về địa phương và tranh thủ thu hút các nguồn viện trợ quốc tế. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã phê duyệt, tiếp nhận 8 dự án với tổng giá trị tài trợ gần 985.483 USD và 8 khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị 310.658 USD trên nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh đã gửi thư thăm hỏi, chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh, ủng hộ vật tư y tế, hỗ trợ và tiếp nhận trợ giúp từ phía Quảng Tây, Trung Quốc trong phòng, chống dịch. Đồng thời, gửi thư thăm hỏi và trao tặng 60.000 khẩu trang y tế cho 2 tỉnh (Fukuoka, Kanagawa) và 1 thành phố (Buzen) của Nhật Bản…
Để có được kết quả trên, bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp phải kể đến công tác tuyên truyền của ủy ban mặt trận tổ quốc (MTTQ). Theo đó, ủy ban MTTQ các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội triển khai công tác đối ngoại nhân dân. Hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền kết quả phân giới và quản lý biên giới trên đất liền, các hiệp định, quy chế biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cho người có uy tín tại các thôn, đại diện các tổ chức đoàn thể xã, thị trấn… Đồng thời, phối hợp tổ chức tặng cờ Tổ quốc và tặng quà cho người có uy tín, quần chúng tham gia làm tốt công bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Từ năm 2020 đến nay, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức 6 hội nghị tập huấn với gần 500 lượt người tham gia; tặng trên 1.000 cờ Tổ quốc và hơn 130 phần quà với tổng trị giá trên 140 triệu đồng cho người tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Ông Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thông qua việc tổ chức tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại nhân dân đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh. Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Nhân dân, thời gian tới, Uỷ ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của trung ương về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân đến các cấp, các ngành, đảng viên và Nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Đảng, chính quyền nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp và tối đa hóa lợi ích của quốc gia trong quá trình mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; tích cực tuyên truyền, thông tin đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường phối hợp với các cấp, ngành trong công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực và trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động thực hiện công tác đối ngoại nhân dân…
Có thể thấy, việc thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần tăng cường mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân Lạng Sơn với nhân dân các nước. Qua đó, đẩy mạnh hợp tác, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị ngày càng bền chặt.
Ý kiến ()