Đối ngoại đa phương năm 2022: Những dấu ấn nổi bật
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao và nỗ lực chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần thiết thực vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chia sẻ về đối ngoại đa phương năm 2022
Năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp bởi cạnh tranh nước lớn, xung đột, tranh chấp, bất ổn xảy ra ở nhiều khu vực và sự nổi lên gay gắt của các thách thức an ninh phi truyền thống, đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương và lợi ích an ninh, phát triển của các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ. Thực trạng này đã tác động không thuận nhiều mặt đến năng lực và hiệu quả hoạt động của các thể chế đa phương, thậm chí nhiều tình huống còn dẫn đến mâu thuẫn, chia rẽ, đối đầu quan điểm. Song cũng chính trong hoàn cảnh đó, các nước, dù lớn hay nhỏ, càng ý thức thêm về vai trò quan trọng của hợp tác đa phương và nhu cầu tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu.
Những dấu ấn nổi bật
Năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã trực tiếp tham gia nhiều hoạt động đa phương quan trọng hàng đầu, qua đó truyền tải mạnh mẽ thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, trọng công lý, năng động, đổi mới, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong đó, nổi bật là việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC (tháng 11/2022); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ (tháng 5/2022), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 (tháng 11/2022) và Hội nghị Cấp cao ASEAN – EU (tháng 12/2022); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Đại Hội đồng AIPA-43 (tháng 11/2022); Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh CICA (tháng 10/2022) và Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 (tháng 11/2022); Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 77 Đại hội đồng LHQ (tháng 9/2022).
Trong năm 2022, với vị thế, uy tín quốc tế, với những đóng góp nổi bật tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều cơ chế quan trọng như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) Khóa 77, Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026; đồng thời tiếp tục thực hiện trọng trách thành viên tại Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, Ủy ban Luật thương mại Quốc tế nhiệm kỳ 2019-2025 và một số cơ quan chuyên ngành khác.
Trong những vai trò đó và tại tất cả các diễn đàn, Việt Nam đã có nhiều đóng góp chủ động, tích cực và trách nhiệm, đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng ta đã đề cao việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, kêu gọi chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu, kêu gọi và có đóng góp trực tiếp vào các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân gặp khó khăn do xung đột; đồng thời đề cao và thúc đẩy đối thoại thực chất, tìm giải pháp cân bằng, thỏa đáng cho các xung đột, tranh chấp, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên liên quan, phù hợp luật pháp quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển chung, thể hiện đạo lý nhân văn, nhân nghĩa của dân tộc ta. Chúng ta cũng tiếp tục có những đóng góp hết sức cụ thể khi đẩy mạnh việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, đặc biệt là lần đầu tiên triển khai Đội công binh gồm 184 người tại Phái bộ LHQ tại Abyei (UNISFA), 03 sỹ quan công an nhân dân tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS) và 1 sĩ quan công an làm việc tại Ban Thư ký LHQ.
Bên cạnh đó, trong năm qua, chúng ta đã tận dụng tốt các cơ chế, diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương để phục vụ yêu cầu và đóng góp vào những nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chúng ta tiếp tục đẩy mạnh triển khai Khung Chiến lược hợp tác phát triển bền vững Việt Nam – LHQ giai đoạn 2022-2026 và các cơ chế hợp tác tiểu vùng; thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký kết, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP; đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến để tăng cường hợp tác, kết nối chuỗi cung ứng trong khuôn khổ ASEAN, APEC, ASEM, OECD; tiếp tục vận động cơ chế COVAX cung cấp vaccine phòng COVID-19 và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lựa chọn là nước chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA. Việc ta cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chính trị về việc thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) có ý nghĩa quan trọng, góp phần huy động nguồn lực cả về tài chính và công nghệ để Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng, tiến tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam – LHQ: Điểm nhấn đối ngoại đa phương
Năm 2022 là dịp đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ (1977-2022). Ngay từ khi nước Việt Nam mới ra đời, đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Chủ tịch Đại hội đồng và nhiều quốc gia để đề nghị kết nạp Việt Nam làm thành viên LHQ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, phải tới ngày 20/9/1977, quốc kỳ Việt Nam mới chính thức tung bay tại trụ sở LHQ (New York). 45 năm qua, LHQ đã thực sự trở thành người bạn thủy chung, đối tác tin cậy, gắn bó hàng đầu của Việt Nam trong mọi giai đoạn phát triển. Những hỗ trợ tích cực, hiệu quả của LHQ đã giúp Việt Nam vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để tái thiết đất nước sau chiến tranh, phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế, gần đây nhất là ứng phó và thích ứng với dịch COVID-19.
Về phần mình, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và phải nhận viện trợ, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ bằng thành quả hơn 35 năm Đổi mới, trở thành chủ thể đóng góp ngày một hiệu quả, thực chất vào tất cả các lĩnh vực hoạt động trụ cột của LHQ và trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2022), xuyên suốt qua các cuộc tiếp xúc, hội đàm với lãnh đạo cấp cao ta và tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã bày tỏ ấn tượng sâu đậm về đất nước, con người và nghị lực vượt khó, vươn lên của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực của tiến trình phát triển chính là điển hình thành công để các nước khác học tập.
Thông qua chuyến thăm đầy ý nghĩa này, chúng ta đã củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với LHQ, mở ra những xung lực và cơ hội mới để tranh thủ sự hỗ trợ và nguồn lực của LHQ cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Định hướng góp phần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong thời gian tới
Năm 2023 có ý nghĩa bản lề quan trọng nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Đất nước ta đang ở trong thời kỳ chiến lược mới để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045. Để thích ứng với cục diện thế giới biến chuyển nhanh chóng và đóng góp thiết thực cho sự nghiệp Đổi mới, công tác đối ngoại đa phương cần được chú trọng, phát huy trên một số phương diện sau:
Thứ nhất, cần triển khai phục vụ tốt các hoạt động đối ngoại đa phương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, góp phần nâng cao uy tín, vị thế đất nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước thành viên, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Thứ hai, cần đảm nhiệm tốt trọng trách tại các tổ chức, cơ quan quốc tế, nhất là vai trò thành viên tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Thống đốc IAEA, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế, Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ.
Thứ ba, cần phát huy vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương lớn như LHQ, ASEAN, Phong trào Không liên kết, ASEM, APEC, trong đó có việc thúc đẩy tính bổ trợ lẫn nhau giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của LHQ; đồng thời đề xuất, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác của Việt Nam phù hợp với ưu tiên của đất nước như phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, chuyển đổi năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh biển, chuyển đổi số.
Thứ tư, cần chủ động, nhạy bén, sáng tạo thúc đẩy các ý tưởng, sáng kiến mới. Việc thúc đẩy Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12), khởi xướng và đồng sáng lập Nhóm bạn bè UNCLOS 1982 là các ví dụ tiêu biểu cho thấy nếu biết cách phát huy, xác định vấn đề “đúng và trúng” quan tâm, lợi ích của cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể mang lại những dấu ấn tích cực, lâu dài tại các cơ chế đa phương.
Thứ năm, cần nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp liên ngành, nhất là trong nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu và xử lý các vấn đề đa phương, tạo sức mạnh đồng thuận trong nhận thức và hành động. Cùng với đó là đầu tư cho công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương đủ phẩm chất, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Đây là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định việc triển khai thành công các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương./.
https://baochinhphu.vn/doi-ngoai-da-phuong-nam-2022-nhung-dau-an-noi-bat-102230117140404459.htm
Ý kiến ()