Đối ngoại 2016-2020: Thiết lập sự tự tin mới
Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN 3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến – Ảnh minh họa |
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công tác đối ngoại đóng vai trò quan trọng, là lực lượng tiên phong trong bảo vệ và phát huy cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc.
Năm 2020 là năm cuối cùng trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 vừa khép lại. Nhìn lại 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực có những biến chuyển nhanh chóng, những cú sốc với tác động về quy mô, mức độ nghiêm trọng nhất trong hàng chục năm, thậm chí trong thế kỷ gần đây. Cạnh tranh nước lớn gia tăng mạnh cả về quy mô và mức độ, tác động tới môi trường an ninh-phát triển của nhiều quốc gia. Đại dịch COVID-19 đã tác động đa diện, đa khủng hoảng tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu. Nhu cầu hợp tác đa phương cao hơn bao giờ hết nhưng các thể chế đa phương như WTO, WHO đứng trước nhiều thách thức, có thể là ở mức độ gay gắt nhất trong 75 năm qua. Kinh tế thế giới trượt khỏi đà phục hồi và rơi vào suy thoái. Các điểm nóng khu vực gia tăng, xảy ra xung đột quân sự. Tình hình Biển Đông có sự biến đổi đáng chú ý trên nhiều mặt, cả về thực địa, pháp lý và ngoại giao. Hợp tác tiểu vùng Mekong được thúc đẩy nhưng có xu hướng an ninh hóa và quốc tế hóa.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực phức tạp và khó lường đó, với mục tiêu đối ngoại “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia-dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi” của Đại hội XII, công tác đối ngoại trong 5 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu. Các học giả quốc tế cho rằng Việt Nam đã thể hiện một mức độ tự tin mới trên cơ sở sự thăng tiến về năng lực cho dù bối cảnh không ít thách thức.
Ngôi sao châu Á
Việt Nam đã quản trị và thúc đẩy một cách hiệu quả, thực chất mạng lưới quan hệ đối ngoại, đáng chú ý là quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, khu vực. Theo nhiều bài phân tích trên các trang như the Diplomat hay Interpreter trong những năm qua, nhiều nhà bình luận đã nhận xét mặc dù môi trường chiến lược có nhiều thách thức Việt Nam duy trì và thúc đẩy được đà quan hệ tích cực đồng thời với các nước láng giềng Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước ASEAN, các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Pháp. Đối ngoại-quốc phòng-an ninh đã tạo thành thế chân kiềng vững chắc để canh giữ và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việt Nam và Campuchia đã ký và phê chuẩn 2 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc. Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời thúc đẩy các biện pháp căn cơ, lâu dài để xử lý vấn đề trên tinh thần thượng tôn pháp luật và hòa bình, nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật Biển năm 1982. Quan hệ với một loạt đối tác đã được nâng cấp, bao gồm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Australia (2018), New Zealand (2020) và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Myanmar và Canada (2017), Hungary (2018), Brunei và Hà Lan (2019). Tính tới nay, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 17 quốc gia và quan hệ đối tác toàn diện với 13 quốc gia. Trong khi môi trường an ninh-phát triển của thế giới ngày càng phức tạp và khó lường, việc quản trị và thúc đẩy hiệu quả quan hệ với các đối tác quan trọng đã giúp củng cố môi trường hòa bình, ổn định, và tranh thủ nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Riêng trong năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam đã đổi mới, tích cực triển khai phương thức đối ngoại trực tuyến với 34 cuộc điện đàm, trao đổi song phương ở cấp cao, nhiều hoạt động kỷ niệm, họp liên chính phủ và ký thỏa thuận quốc tế. Việt Nam có uy tín cao không chỉ là quốc gia phòng chống dịch thành công mà còn có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và tương thân tương ái trong hợp tác quốc tế về phòng chống dịch. Chính vì lý do đó, truyền thông và giới nghiên cứu nhiều nước gọi Việt Nam là “ngôi sao sáng ở châu Á” hay “quốc gia tầm trung mới nổi”.
Ấn tượng kinh tế đối ngoại
Các hoạt động đối ngoại gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn và phục vụ thiết thực nhu cầu phát triển của đất nước. Đại diện cho nhiều ý kiến tương đồng, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Borge Brende cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu về tăng trưởng và ổn định kinh tế mà kể cả những quốc gia phát triển chưa chắc đã đạt được, trong đó có sự đóng góp ấn tượng của kinh tế đối ngoại.
Hội nhập kinh tế quốc tế trên thực tế đã đạt được những đột phá, tạo xung lực mới cho đà phát triển, góp phần đưa đất nước vượt lên các khó khăn và bất định của kinh tế toàn cầu. Việt Nam ký kết các phê chuẩn các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu, ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Đặc biệt, các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA không chỉ mở ra không gian xuất khẩu, cơ hội thu hút đầu tư mà còn giúp đổi mới thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2019, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam theo xếp hạng của WEF đã tăng từ hạng 77 lên 67, là mức thăng hạng mạnh mẽ nhất trong số 141 nền kinh tế. Trong những giai đoạn khó khăn của dịch COVID-19, các ngành, các cấp đã phối hợp chặt chẽ, cấp bách và quyết liệt để tiến hành chiến dịch bảo hộ công dân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 280 chuyến bay và đưa gần 80.000 công dân về nước. Người dân, địa phương và doanh nghiệp đã trở thành trung tâm của các hoạt động đối ngoại. Hội nhập kinh tế quốc tế và các hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển đã góp phần giữ vững “cánh buồm” của con thuyền kinh tế Việt Nam vượt qua các “cơn gió ngược” từ bảo hộ và “biển động” của kinh tế toàn cầu.
Một thành viên nòng cốt của đối ngoại đa phương
Việt Nam đã thể hiện tâm thế chủ động, tự tin hơn trong tham gia các cơ chế đa phương, sẵn sàng đảm nhận các trọng trách đa phương quan trọng. Nhà bình luận theo dõi tình hình Việt Nam lâu năm Kavi Chongkittavorn (Thái Lan) nhận xét năng lực đối ngoại đa phương đã đưa Việt Nam trở thành một trong những thành viên có vai trò dẫn dắt tại các cơ chế ở khu vực châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai. Việc chủ trì rất thành công Năm APEC Việt Nam 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC đã tạo ra nhận thức mới, niềm tin mới hòa cùng niềm tự hào và khát vọng vươn lên của dân tộc.
Năm 2018, Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 là bước chuyển tư duy, đặt đối ngoại đa phương ở vị trí quan trọng, xứng tầm trong tổng thể các nhiệm vụ đối ngoại. Các hướng đi mới, sáng tạo trong hợp tác tiểu vùng đã được thúc đẩy với các Hội nghị cấp cao GMS6, CLV10 và đặc biệt là Hội nghị WEF về ASEAN với tư cách là Hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức. Năm 2019, Việt Nam thu hút sự chú ý của cả thế giới với vai trò Chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 và đã được bầu là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) với số phiếu cao kỷ lục. Chuyên gia cao cấp Murray Hiebert tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho rằng các hội nghị cấp cao như Thượng đỉnh Mỹ-Triều giúp tăng uy tín quốc tế của Việt Nam.
Năm 2020, Việt Nam đã thúc đẩy HĐBA lần đầu tiên thông qua Tuyên bố Chủ tịch về tuân thủ Hiến chương LHQ, tổ chức cuộc đối thoại giữa LHQ và ASEAN, thúc đẩy thành công Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, vai trò điều phối, dẫn dắt của Việt Nam đã được thể hiện rõ nét. Vượt qua các khó khăn chưa có tiền lệ, Việt Nam đã thúc đẩy ASEAN đạt được đồng thuận trên những vấn đề lớn liên quan tới an ninh, phát triển và vị thế của khu vực. Lần đầu tiên, Hội nghị Cấp cao trực tuyến trong lịch sử 53 năm của ASEAN đã được tổ chức rất thành công, với số lượng văn kiện đồ sộ nhất từ trước tới nay. TS. Lê Thu Hường, chuyên gia cao cấp Viện Chính sách Chiến lược Australia nhấn mạnh vai trò Chủ tịch của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN qua giai đoạn đầy thách thức, qua đó tác động thiết thực đối với việc sự đoàn kết của ASEAN.
Hướng tới nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Cùng với tinh thần đổi mới sáng tạo của đất nước, nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của đất nước ngày càng được đẩy mạnh xây dựng. Đây là nền tảng để phát huy sức mạnh tổng hợp và gắn kết của các binh chủng đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.
Trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0, tính hiện đại của ngoại giao thể hiện trước hết qua đổi mới phương thức và hạ tầng đối ngoại, bao gồm ngoại giao số và hạ tầng số, cũng như nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ đạt tầm khu vực và quốc tế.
Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử của bộ, ban hành Chiến lược quản lý tri thức và ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành. Để tạo điều kiện tối đa cho công dân và pháp nhân Việt Nam, hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến và công thông tin, dịch vụ lãnh sự của Bộ Ngoại giao đã được triển khai hiệu quả. Một số tổ chức nghiên cứu về ngoại giao công chúng quốc tế đánh giá việc Bộ Ngoại giao và các cơ quan thông tấn của Việt Nam đã tận dụng tốt các nền tảng kỹ thuật số và truyền thông để cập nhật tin tức về các hoạt động ngoại giao y tế và nỗ lực chống dịch. Các bài viết trên Twitter, như trào lưu hashtag #VietNamLeavesNoOneBehind cho thấy sự tự hào và trân trọng của người Việt Nam đối với các nỗ lực của chính phủ.
Trong trao đổi giữa các học giả ở khu vực và quốc tế, có thể thấy rõ hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được đánh giá cao. Đó là hình ảnh của một đất nước yêu chuộng hòa bình, thể hiện vai trò tích cực, có trách nhiệm đối với thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, luôn có tinh thần và quyết tâm đổi mới, năng động với khát vọng và hoài bão phát triển.
Hiệu ứng của “vị thế” này đối với nâng cao “lực”, trong đó có sức mạnh kinh tế là rất rõ ràng. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn lớn toàn cầu, đã chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư, kinh doanh.
Việt Nam cũng được tôn trọng với tư cách là một quốc gia coi trọng luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các xung đột, tôn trọng luật chơi đa phương và đề cao nguyên tắc cùng có lợi và minh bạch.
Ý kiến ()