Đổi mũ bảo hiểm có trợ giá: Sẽ mở rộng về vùng nông thôn
LSO-Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, tính đến ngày 30/6/2013, chương trình đổi mũ bảo hiểm đã đổi được hơn 4.600 chiếc mũ. Hiệu quả thì đã nhìn thấy, hàng nghìn người đã có mũ bảo hiểm đạt chuẩn để sử dụng khi tham gia giao thông.
LSO-Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, tính đến ngày 30/6/2013, chương trình đổi mũ bảo hiểm đã đổi được hơn 4.600 chiếc mũ. Hiệu quả thì đã nhìn thấy, hàng nghìn người đã có mũ bảo hiểm đạt chuẩn để sử dụng khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, số lượng người được tiếp cận mũ đạt chuẩn còn ít và mới chỉ bó hẹp trên phạm vi thành phố. Để người dân các huyện và các xã vùng nông thôn có thể tiếp cận và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn, vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tiếp tục cho phép 5 đơn vị (công ty sản xuất mũ bảo hiểm trong nước) thực hiện chương trình đổi mũ bảo hiểm tại một số huyện.
Người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia chương trình đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn |
Đầu tiên, phải khẳng định rằng, việc phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức chương trình đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn trong thời gian qua đã mang lại những tín hiệu tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông về việc đảm bảo an toàn cho chính bản thân. Mục đích của chương trình là vận động mọi người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện đều phải sử dụng mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của mình. Đồng thời góp phần loại bỏ mũ bảo hiểm rởm, không đạt chất lượng đang được sử dụng… Mặc dù thời gian thực hiện chương trình chỉ khoảng 1 tháng song việc UBND tỉnh tiếp tục cho phép các công ty sản xuất mũ bảo hiểm trong nước thực hiện đổi mũ bảo hiểm có trợ giá tại các huyện cho thấy hiệu ứng rất tốt từ chương trình.
Trong khoảng 1 tháng thực hiện việc đổi mũ bảo hiểm, mỗi người dân khi mang mũ cũ, hoặc mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đến đổi đều được hỗ trợ từ 10 – 20% giá mũ. Không chỉ được hỗ trợ về giá, mũ bảo hiểm mà các doanh nghiệp đổi cho người dân đều có hình thức đẹp, phong phú về chủng loại với các dòng mũ nửa đầu, nguyên đầu, có kính, không có kính được thiết kế đẹp mắt, đa dạng, tất cả đều đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của nhà nước. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cùng với lực lượng thanh niên đã thường xuyên triển khai tuyên truyền để người dân biết và đến tham gia chương trình. Con số 80.000 tờ rơi được phát cho người dân và 32.000 áp phích được dán tại các khu dân cư, chợ… đã phản ánh mức độ sâu, rộng về chương trình ngay từ khâu tuyên truyền.
Lãnh đạo Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, với kết quả tích cực đạt được từ việc thí điểm đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, sau khi được UBND tỉnh đồng ý cho phép tiếp tục mở rộng chương trình về các huyện, mục đích là đề người dân vùng nông thôn, vùng sâu, xa cũng có thể tham gia chương trình, được sử dụng mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông. Theo đó, ngoài 3 công ty là: Công ty TNHH 1 thành viên TM sản xuất Triển Phong, Công ty CP Tư vấn Đầu tư TM&PT Công nghệ Việt Nam, Công ty CP Metro Hà Nội, sẽ có thêm 2 công ty là Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Nghĩa Phát, Công ty CP kỹ thuật HI. 5 đơn vị này sẽ thực hiện chương trình đổi mũ bảo hiểm đạt chuẩn có trợ giá trên cả 10 huyện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Việc triển khai đến cả 10 huyện sẽ có thể đáp ứng được mong mỏi của nhân dân tại các vùng nông thôn. Ông Hoàng Đình Tuệ, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, việc tiếp tục triển khai mở rộng chương trình đến các huyện và có thể sẽ mở rộng đến một số xã nhằm đưa chương trình đạt kết quả toàn diện hơn.
Có thể nói rằng, đây là một hoạt động thiết thực và được người dân đồng tình hưởng ứng. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã ý thức được việc cần phải có một chiếc mũ đảm bảo chất lượng để bảo vệ chính bản thân mình khi tham gia giao thông. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số điều băn khoăn từ phía người dân. Đó là, mặc dù đã được trợ giá khoảng 30.000 đồng/mũ, nhưng giá mũ sau khi được trợ giá vẫn còn khá cao từ mức 130.000 đồng – 300.000 đồng (tùy vào từng mẫu sản phẩm của từng đơn vị sản xuất). Mức giá này ở khu vực thành phố thì người dân có thể tạm hài lòng. Tuy nhiên, với thu nhập và mức sống của bà con nhân dân vùng nông thôn, đặc biệt là vùng nông thôn của tỉnh biên giới thì mức giá trên có thể sẽ là một trở ngại trong việc đổi mũ bảo hiểm.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()