LSO-Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, trẻ em từ 6 tuổi trở lên cũng phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên bất cứ tuyến đường nào ở Lạng Sơn, chúng ta cũng dễ nhận thấy một nghịch lý là trong khi người lớn đội MBH thì trẻ em lại để “đầu trần” tham gia giao thông.
Phụ huynh vô tư chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm
Trước cổng Trường Tiểu học Chi Lăng và Trường THCS Chi Lăng (TP Lạng Sơn) giờ tan học, rất nhiều học sinh được cha mẹ đến đón bằng xe máy. Nhưng trong khi các bậc phụ huynh trang bị cho mình đầy đủ MBH, khẩu trang, áo chống nắng… để bảo vệ cơ thể thì phần lớn con em của họ lại không hề có MBH. Có phụ huynh chở tới 2-3 trẻ cùng lúc- không em nào mang MBH nhưng vẫn vô tư hòa vào dòng người tấp nập trên đường. Không chỉ ở đây, mà hầu hết các tuyến đường, trước cổng các trường học ở thành phố, hễ có trẻ em được chở trên xe máy thì tình trạng người lớn đội MBH còn trẻ em ung dung để đầu trần diễn ra khá phổ biến. Chị Đặng Thị Tâm, ở phường Chi Lăng có con gái đang học tiểu học cho biết: Hàng ngày đưa đón con, ít khi mình đội MBH cho bé vì mang đi mang lại khá lỉnh kỉnh hơn nữa nhà cũng chỉ cách trường chừng 1 cây số, mình đi cẩn thận là được.
Quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông có hiệu lực từ năm 2009. Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cũng quy định rõ mức xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy chở trẻ em không đội MBH. Song bấy lâu nay, nhiều phụ huynh dường như quên đi việc phải trang bị MBH cho trẻ . Điều này dễ gặp nhất là vào buổi sáng sớm hoặc đầu giờ chiều-lúc cha mẹ, ông bà đưa con em đi học hoặc lúc tan trường-khi họ đón trẻ về nhà. Có nhiều lý do để các bố, các mẹ biện minh việc lơ là đội MBH cho con em mình: chỉ đi một đoạn ngắn nên không cần thiết phải đội, đội MBH làm cho trẻ vướng víu, khó chịu…Nhưng chung quy lại là do họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông. Thậm chí không ít người xem việc chấp hành quy định đội MBH chỉ để đối phó với lực lượng chức năng: người lớn phải đội MBH để tránh bị xử phạt, còn trẻ em thì đội cũng được mà không đội cũng chẳng sao! Theo Nghị định 34/2010, trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội MBH thì người điều khiển bị xử phạt từ 100-200 ngàn đồng, song thực tế hiện nay, lực lượng chức năng mới chỉ tập trung xử phạt người lớn không đội MBH, còn đối với hành vi chở trẻ em không đội MBH thì hầu như chưa phạt mà chủ yếu vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở. Thiếu tá Nguyễn Cao Huy-Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Lạng Sơn cho biết: Mục đích chính của việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em là đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông. Do vậy, chúng tôi lấy tuyên truyền làm trọng từng bước nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh để họ tự giác đội MBH cho con em vì sự an toàn của trẻ. Trẻ em không MBH khi ngồi trên xe máy tham gia giao thông, người chở bị phạt tiền trăm, nhưng nếu xảy ra tai nạn, thì có thể họ phải trả giá gấp hàng chục, hàng trăm lần thế, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống của con em mình.
Mỗi năm ở nước ta, có tới 4.000 ca tử vong và hàng ngàn trường hợp thương tích nghiêm trọng ở trẻ em, phần lớn trong số này liên quan đến việc đi lại bằng xe máy. Mặc dù các cơ quan chuyên môn khuyến cáo việc đội MBH đảm bảo tiêu chuẩn và đúng quy cách giúp giảm tới 69% nguy cơ chấn thương sọ não và giảm 42% nguy cơ tử vong khi xảy ra tai nạn giao thông song theo số liệu của Ủy ban ATGT Quốc gia thì hiện tại tỷ lệ trẻ em đội MBH trung bình của cả nước mới chỉ đạt 34%. Thiết nghĩ rằng, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho nhân dân, các ngành, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp không đội MBH cho trẻ em để tạo sức răn đe, giáo dục. Bởi chừng nào, hành vi này chưa bị xử nghiêm và chưa bị lên án mạnh mẽ thì chừng đó, nhiều phụ huynh vẫn chỉ lo đội MBH cho mình mà “bỏ quên” cái đầu của con trẻ!
Ý kiến ()