Đổi mới xúc tiến thương mại: Khai phá những thị trường mới
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc nâng cao hiệu quả thương mại với các thị trường lân cận, các đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tiếp cận, khai phá các thị trường mới, xa hơn như khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh… nhằm đa dạng hóa thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, cho rằng Mỹ Latinh là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động và là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau châu Á.
Những năm gần đây thị trường Mỹ Latinh đang dần trở thành đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 20%/năm. Brazil, Argentina, Mexico và Chile là những đối tác thương mại có kim ngạch song phương đạt trên 1 tỷ USD.
Theo bà Võ Hồng Anh, ưu điểm của thị trường Mỹ Latinh là quy mô lớn với hơn 650 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người cao ở mức từ 15.000-16.000 USD/người/năm. Vì vậy, nhu cầu tiêu dùng của khu vực này khá lớn; trong đó, nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, giày dép, dệt may, thủy sản, đồ gỗ, máy tính…
Việc phát triển mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh được xem là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường, giảm tải cho các thị trường truyền thống, từ đó giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới không ngừng biến động. Mục tiêu của Việt Nam là đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Mỹ Latinh lên mức từ 15-18 tỷ USD vào năm 2021.
Một khu vực khác được các chuyên gia đánh giá là có nhiều tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đó là Trung Đông và châu Phi. Bà Phạm Hoài Linh, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết Trung Đông là thị trường có sức mua lớn, khả năng thanh toán cao do có nguồn tài chính dồi dào.
Nhu cầu tiêu dùng của các nước Trung Đông chủ yếu phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu; trong đó có nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Trong khi đó, châu Phi là khu vực có nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng rất lớn. Thị trường châu Phi cũng không yêu cầu chất lượng hàng hóa quá cao.
Để khai thác được các thị trường này, bà Phạm Hoài Linh cho rằng doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm chuyên ngành để nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp, sản xuất sản phẩm có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định và tập quán tiêu dùng.
Cùng với việc tiếp cận các thị trường theo khu vực địa lý, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến khích khai phá thị trường theo nhóm đối tượng người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường các nước Hồi giáo.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, đại diện văn phòng chứng nhận Halal-HCA Việt Nam, cho biết số lượng người Hồi giáo trên toàn thế giới lên tới 1,6 tỷ người, tập trung nhiều ở khu vực Trung Đông và một số nước ASEAN. Đây là nhóm đối tượng sử dụng các sản phẩm Halal (được phép dùng), ngành công nghiệp Halal đang phát triển rất nhanh, có doanh thu lên tới 2.300 tỷ USD/năm và thu hút không chỉ các nước Hồi giáo mà cả các nước không có người Hồi giáo tham gia.
Theo bà Hằng, Việt Nam có nhiều nhóm sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Halal của các nước Hồi giáo như nông sản, thủy sản, nhưng hiện nay chưa có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal, phục vụ nhu cầu của cộng đồng người Hồi giáo.
Thị trường các nước Hồi giáo có ít rào cản về mặt kỹ thuật và mức thuế nhập khẩu cũng rất thấp. Hiện nay, nhiều quốc gia Hồi giáo cũng có động thái kết nối và tìm kiếm hàng hóa, thực phẩm của Việt Nam. Đó là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, cho rằng năm 2019, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mở rộng xuất khẩu khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, ngoài việc chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại, Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cần đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại hướng tới các thị trường mới, có nhu cầu hàng hóa phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp.
Bên cạnh các hoạt động mang tính truyền thống như tổ chức các hội chợ, triển lãm thì cần có nhiều chương trình kết nối trực tiếp doanh nghiệp với người mua hàng nước ngoài nhằm giới thiệu với các đầu mối thu mua về năng lực cung ứng của doanh nghiệp thành phố. Ngoài ra, cũng cần phát huy hiệu quả các chuyến đi tham quan, tìm hiểu thông tin và kết nối với thị trường nước ngoài.
Theo bà Bùi Thị Thanh An, các chương trình xúc tiến thương mại của Thành phố Hồ Chí Minh ở nước ngoài cần kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại của quốc gia nhằm nâng cao quy mô và cộng hưởng hiệu quả quảng bá các thương hiệu tầm quốc gia. Đồng thời, kết hợp với các hội chợ triển lãm chuyên ngành lớn của thế giới để tạo ra sự lan tỏa hiệu quả quảng bá các sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam.
Song song với việc tổ chức xúc tiến thương mại, cần làm tốt công tác dự báo, cung cấp thông tin thị trường, kết nối với các tham tán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài cũng như các thương vụ nước ngoài tại Việt Nam để tạo cầu nối thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của kinh tế cả nước./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()