Nhìn lại những năm gần đây, công tác thi tuyển sinh được triển khai sớm, kỹ lưỡng, với sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) cùng các cấp, các ngành, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội. Nhờ vậy, đã góp phần lựa chọn được những người có năng lực, trình độ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, chúng ta đã có một nền giáo dục ĐH phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo, cung cấp nguồn lao động có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Tuy nhiên, giáo dục ĐH cũng đang đứng trước thách thức to lớn trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay vẫn rườm rà, tốn kém, gây tâm lý nặng nề của toàn xã hội. Quá trình đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập, phương pháp quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ chậm được thay đổi, chưa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống. Từ đó chưa phát huy mạnh mẽ sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên.
Công cuộc CNH, HĐH đất nước ngày càng đòi hỏi nguồn lực lao động chất lượng cao, đó chính là yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Điều đó đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành GD và ĐT trong việc xây dựng quy chế chặt chẽ, bảo đảm lựa chọn được những thí sinh có trình độ, năng lực là cơ sở cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện thi tuyển sinh cũng như công tác giảng dạy, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng, hiệu quả và quy mô đưa giáo dục ĐH nước ta từng bước ngang bằng các nước trong khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến trên thế giới. Ngành GD và ĐT cần nỗ lực xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực bảo đảm cân đối, hài hòa cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; đồng thời tiếp tục phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật cho các đơn vị đào tạo, nhất là tập trung đầu tư hợp lý, có hiệu quả một số trường, khoa chuyên ngành mũi nhọn, chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế. Bảo đảm việc đào tạo nguồn nhân lực vừa đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý đào tạo trên tinh thần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Bảo đảm cơ chế tự chủ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của các học viện, trường ĐH, CĐ. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Xác định phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt đi đôi với tập trung nâng cao chất lượng, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Ngành GD và ĐT cần tích cực đưa ra các giải pháp đổi mới quản lý toàn diện, quyết liệt, có tính đột phá, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của người học và yêu cầu không ngừng đổi mới tri thức để phục vụ xã hội.
Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định của sự phát triển kinh tế – xã hội. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là mắt xích quan trọng trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, luôn đòi hỏi sự nỗ lực lớn của ngành GD và ĐT cùng sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ bước tuyển chọn này tạo sự bứt phá về chất lượng đào tạo nguồn lực lao động Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng trong phát triển bền vững đất nước. Ngành GD và ĐT hãy nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt công tác tuyển sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo và những chiến lược cơ bản mà Đảng, Nhà nước đề ra. Thực hiện thành công mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần đắc lực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Ý kiến ()