Đổi mới về CNTT trong tuyển sinh mang lại nhiều kết quả tốt đẹp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị |
Chủ trì điểm cầu Hà Nội có PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học; PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố cải tiến một số yếu tố kỹ thuật; từng bước giữ ổn định tuyển sinh trong những năm tiếp theo. Trong những năm qua, sự đổi mới về CNTT trong công tác tuyển sinh đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp.
Để các trường đại học có quyền chủ động cao trong công tác tuyển sinh, kèm theo đó là trách nhiệm giải trình với xã hội về tính công bằng, khách quan, minh bạch trong công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ, đồng hành cùng các cơ sở giáo dục đại học trong công tác tuyển sinh, hướng tới một mùa tuyển sinh thuận lợi cho thí sinh và mang lại kết quả như mong đợi cho các trường ĐH, CĐ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, năm học 2019-2020, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt qua một năm đầy biến cố, với dịch bệnh, thiên tai nhưng chúng ta đã tạo điều kiện hết sức cho thí sinh trong công tác thi tuyển và trong công tác xét tuyển. Thành công của năm 2020 chính là tiền đề, nền tảng để chúng ta tiếp tục phát huy cho những năm tiếp theo và cụ thể trong năm 2021 này.
Bộ GD&ĐT đang từng bước phân rõ chức năng quản lý nhà nước của Bộ, vai trò của các cơ sở giáo dục đại học và sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ sở giáo dục đào tạo cũng như các trường phổ thông.
Hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung như: Những thành công trong công tác tuyển sinh năm 2020, từ đó kế thừa và phát huy trong năm 2021, đồng thời nêu lên những hạn chế, chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến hạn chế đó, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục trong năm 2021.
Một số điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021
Về cơ bản, dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2021 ổn định như năm trước, chỉ có một số thay đổi nhỏ mang tính kỹ thuật và theo hướng có lợi cho thí sinh.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2021 đã được đăng lên mạng xin ý kiến toàn xã hội. Trong đó có một số điểm mới là:
Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ giáo dục mầm non bằng một trong 2 hình thức: Bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).
Đây là thay đổi có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn, đồng thời là điểm nhấn ưu việt của dự thảo Quy chế này, giúp thí sinh có thêm nhiều cơ hội trong lựa chọn trường học, ngành học. Mặt khác, sự điều chỉnh này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học lựa chọn được các thí sinh phù hợp.
Điểm mới thứ hai là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định bằng phương thức trực tuyến.
Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực.
Thí sinh xác nhận nhập học vào cơ sở đào tạo đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kỹ thi THPT của năm tuyển sinh) đến cơ sở đào tạo trực tiếp hoặc bằng thư chuyển phát nhanh; thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các cơ sở đào tạo khác.
Thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, mức thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho biết, thực tế cho thấy, khi thông tin minh bạch, tự do chọn ngành, tự chủ tuyển sinh thì kết quả tuyển sinh phản ánh rõ nét sự phân tầng, lợi thế/không lợi thế về ngành và vị trí giữa các ngành.
Đánh giá chung về công tác tuyển sinh 2020, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cho rằng, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng công tác thi THPT và tuyển sinh đã được kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công.
Các chính sách về tuyển sinh đã được Bộ GD&ĐT hoàn thiện và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, từ đó giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu.
Năm 2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai Đề án trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu Phụ lục và các quy định tại Quy chế tuyển sinh. Đề án tuyển sinh hoặc đường link đến Đề án phải được công khai tại trang chủ trên trang thông tin điện tử của trường, bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh tìm hiểu.
Thời gian công bố công khai Đề án trên trang thông tin điện tử của trường: Đối với hình thức đào tạo chính quy, trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác, trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.
Để phục vụ công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2021, các trường phải khai báo dữ liệu Đề án vào Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT (theo tài liệu hướng dẫn tại địa chỉ http://thituyensinh.vn) trước ngày 31/3.
Đối với các trường có yêu cầu tiêu chí phụ, sơ tuyển trong tuyển sinh như đưa ra mức điểm quá trình học tập bậc THPT, học lực, hạnh kiểm…, phải có giải pháp để kiểm soát được các thông tin này trước khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo, tuyệt đối tránh tình trạng do các quy định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi tổ chức xét tuyển.
Thực hiện kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2021, Bộ GD&ĐT bổ sung môn tiếng Hàn vào danh mục các môn thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông, đăng ký dự thi môn tiếng Hàn để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ ĐH năm 2021.
Để tạo điều kiện cho thí sinh được sử dụng kết quả thi, xét tuyển trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, trình độ ĐH năm 2021, Bộ GD&ĐT thông báo để các trường rà soát, quyết định việc bổ sung mã tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Hàn để xét tuyển vào các ngành nghề đào tạo, bảo đảm quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành.
Ý kiến ()