Đổi mới tuyên truyền trong lĩnh vực dân số
Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu các mục tiêu để công tác này có nhiều đóng góp hơn nữa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Để thực hiện mục tiêu đề ra, việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân là hết sức quan trọng.
Cán bộ y tế xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) tuyên truyền kiến thức về dân số và KHHGĐ cho người dân |
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân cho biết: Sau 25 năm, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Khống chế được tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế sớm mười năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì đến nay. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, nhất là tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi (năm 2016) và cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm; tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện… góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế công tác DS-KHHGĐ hiện gặp không ít khó khăn, thách thức, như: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch lớn; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh; tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh không cao so với nhiều nước; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn tồn tại ở một số dân tộc ít người; phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả thấp, vai trò nhà trường còn hạn chế, nhất là nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, mới chủ yếu tập trung vào KHHGĐ. Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới; tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác DS -KHHGĐ ở cấp cơ sở thấp…
Khắc phục những bất cập nêu trên, Nghị quyết số 21 đã yêu cầu và chỉ rõ những biện pháp giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 104 triệu người; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất bốn loại bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; 90% số trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất năm bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% số người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung…
Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số… Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số. Theo đó, người dân cần tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con” để ổn định quy mô dân số; nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới: đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhất là tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.
Đổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản; hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ. Đồng thời, cần đổi mới toàn diện và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ, các loại hình cung cấp dịch vụ phục vụ việc ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cũng đề nghị các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về báo chí cần quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết số 21 để tham mưu, quản lý, định hướng công tác tuyên truyền một cách hiệu quả nhất. Các cơ quan thông tin đại chúng cần tích cực tuyên truyền chính xác và kịp thời về công tác dân số. Đối với đội ngũ phóng viên thực hiện công tác tuyên truyền về dân số, ngoài đạo đức nghề nghiệp, cần nâng cao kiến thức bảo đảm việc đưa tin, bài chính xác, trung thực, phù hợp, tạo sự thống nhất trong công tác tuyên truyền về vấn đề này từ T.Ư cho đến địa phương…
Theo Nhandan
Ý kiến ()