Chú trọng thông tin, tuyên truyền
Năm 2015, ngành BHXH tiếp nhận một khối lượng công việc lớn khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT chính thức có hiệu lực; công tác chuẩn bị sau khi Luật BHXH (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua, thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cùng với đó là áp lực mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, giảm tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT… Có thể nói, trong bối cảnh đó, công tác tuyên truyền đã được lãnh đạo ngành BHXH đặc biệt quan tâm và coi trọng.
Để đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền theo các nhóm đối tượng tại cơ sở, năm 2015, BHXH Việt Nam đã phối hợp 14 bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội mở 60 lớp tập huấn cho các nhóm đối tượng tại các cơ sở; tổ chức ba lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo và BHXH tỉnh; 47 hội nghị đối thoại trực tiếp với người lao động, chủ sử dụng lao động và nông dân trên địa bàn cả nước; Đặc biệt, đã phối hợp Ban Tuyên giáo trung ương đánh giá kết quả sơ kết ba năm thực hiện công tác tuyên truyền Nghị quyết 21 ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn tăng cường công tác tuyên truyền BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng văn bản định hướng nội dung thông tin về BHXH, BHYT trên báo chí và trên hệ thống thông tin cơ sở… Công tác phối hợp tuyên truyền giữa BHXH Việt Nam và các cơ quan báo, đài đã được tiến hành mạnh mẽ, chủ động với độ bao phủ rộng, tần suất tăng, đáp ứng kịp thời các vấn đề về BHXH, BHYT mà người dân quan tâm.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, cộng tác viên tuyên truyền, phóng viên các cơ quan báo chí được BHXH Việt Nam chú trọng. Năm 2015, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe trung ương (Bộ Y tế) tổ chức năm lớp đào tạo giảng viên truyền thông về BHXH, BHYT cho cán bộ tuyên truyền ở T.Ư và tuyến tỉnh. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đào tạo lại cho tuyến dưới; đặc biệt, có một số tỉnh như: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thừa Thiên-Huế… đào tạo đến tận tuyến xã, phường, đại lý thu BHYT. Cùng với việc đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ tuyên truyền trong ngành, năm 2015 BHXH Việt Nam đã chú trọng trang bị kiến thức về chính sách BHXH, BHYT cho cộng tác viên ngoài ngành. Cụ thể, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức hai lớp tập huấn “Trang bị kiến thức BHXH, BHYT cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí” trên phạm vi toàn quốc.
Nâng cao nhận thức của người dân
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, BHXH các địa phương đã tập trung tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trên địa bàn. Ngay sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, BHXH các tỉnh đã chủ động tham mưu với tỉnh ủy, UBND tỉnh tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền tại địa phương; tham mưu việc đưa chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo thống kê, năm 2015, BHXH các địa phương tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức khoảng 1.500 hội nghị, tọa đàm, tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT. So với năm 2014, số hội nghị tư vấn, đối thoại trực tiếp về chính sách BHXH, BHYT tại cơ sở tăng gấp hàng chục lần. Trung bình mỗi tỉnh đã tổ chức từ 15-25 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tới các tầng lớp nhân dân. Những buổi tư vấn, đối thoại trực tiếp với hàng trăm người dân, hàng nghìn lao động tham gia đã giúp chủ sử dụng lao động, người lao động cũng như nhân dân hiểu rõ hơn về chính sách BHXH, BHYT, quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT với nhiều hình thức phong phú, như: phóng sự, tọa đàm, chuyên mục Hỏi – đáp, tư vấn pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp với hàng nghìn tin, bài, phóng sự, tọa đàm… BHXH các tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện tích cực phối hợp với đài phát thanh huyện và đài phát thanh các xã, phường thường xuyên tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên sóng phát thanh. Đây được đánh giá là một kênh tuyên truyền hiệu quả góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHXH, BHYT.
Công tác tuyên truyền trực quan và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền cũng được BHXH các tỉnh quan tâm, thực hiện có hiệu quả. BHXH các tỉnh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền trực quan và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó BHXH các tỉnh đã chủ động biên soạn, in ấn và phát hành hàng chục nghìn loại ấn phẩm tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về BHXH, BHYT cho các nhóm đối tượng trên địa bàn… Có thể thấy, năm 2015, công tác tuyên truyền của ngành BHXH đã được nâng lên tầm cao mới; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể, các cơ quan truyền thông và các địa phương. Đặc biệt, nhiều địa phương đã sáng tạo và lựa chọn được các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù dân cư, địa lý, tập quán sinh hoạt và văn hóa. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã góp nâng cao tỷ lệ dân số tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương…
Năm 2016, công tác tuyên truyền sẽ được BHXH Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Với việc đầu tư mạnh mẽ cả về nguồn lực, nội dung, hình thức và sự vào cuộc của toàn ngành, công tác tuyên truyền sẽ tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ theo hướng thiết thực, hiệu quả, tần suất thông tin cao, phạm vi thông tin được thực hiện rộng rãi đến tất cả các nhóm đối tượng và địa bàn… giúp người lao động và nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách BHXH, BHYT và góp phần thực hiện thành công tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành.
Ý kiến ()