Đổi mới tư duy nghề nghiệp của học sinh: Đại học đâu phải là con đường duy nhất
(LSO) – Nếu trước đây vào đại học là ước mơ và là con đường duy nhất đúng của thanh niên học sinh, thì ngày nay họ đã có nhiều sự lựa chọn hữu ích hơn, khả dụng hơn…
Những con số nhiều ý nghĩa
Trước năm 2010, mỗi năm trung bình có trên 12 ngàn học sinh Lạng Sơn đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong cả nước; tỷ lệ dự thi và đỗ vào các trường ĐH, CĐ rất cao. Năm 2010, trong 9.524 học sinh tốt nghiệp THPT, có 3721 học sinh thi đỗ vào ĐH (tỷ lệ 39,07%) và 2.467 em vào các trường CĐ, trung cấp trong và ngoài tỉnh (tỷ lệ 25,9%). Số học sinh Lạng Sơn đỗ ĐH liên tục tăng cao trong những năm sau đó: năm 2011 có 3.763 em (tỷ lệ 38,81% so với học sinh tốt nghiệp THPT), năm 2012 có 3.849 em (tỷ lệ 42,29%) và năm 2013 là 3.933 em (tỷ lệ 43,37%).
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi, dự xét tuyển vào ĐH, CĐ đã giảm hẳn. Năm 2014, toàn tỉnh có 8.496 em ĐKDT (bằng 2/3 năm trước); và chỉ có 2.345 em vào ĐH (tỷ lệ 25,24%) giảm 18,13% so với năm 2013. Từ năm 2016 đến 2018, số lượng học sinh ĐKDT, đăng ký xét tuyển ĐH chỉ ở mức từ 3.000 – 4.000 em và tỷ lệ đỗ chỉ là khoảng 22%; thậm chí năm 2018 chỉ có 1.519 học sinh vào ĐH, chiếm tỷ lệ 18,73% so với học sinh tốt nghiệp THPT – thấp nhất từ trước đến nay.
Giờ thực tập hàn điện của học sinh Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn
Phân tích những con số này, nhiều nhà giáo cho đây là tín hiệu đáng mừng trước thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay. Đây cũng là kết quả của công tác phân luồng học sinh từ cấp trung học cơ sở trong nhiều năm qua. Mặt khác, công tác tư vấn nghề nghiệp từ các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp, đoàn thể đã được đẩy mạnh. Vì vậy, trong những năm học THPT, định hướng nghề nghiệp trong học sinh đã rõ ràng hơn. Thực tế chỉ cho các em rằng, việc học chưa bao giờ là muộn, nhưng việc làm phù hợp và thu nhập tốt thì không phải lúc nào cũng có sẵn.
Phương án “2 trong 1”
Tốt nghiệp THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên 2 và có tấm bằng trung cấp nghề mộc mỹ nghệ tại Trường CĐ nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc, em Liễu Văn Thành (Hữu Lũng) làm thợ cho một doanh nghiệp mộc Đồng Kỵ. Với tay nghề khá, lại chịu khó làm ăn, sau 3 năm em đã có được một số tiền nho nhỏ và vay thêm vốn mua sắm máy móc thiết bị mở được một xưởng mộc tại thị trấn quê nhà. Chỉ người bạn thợ bên cạnh, em nói: “Đại học thất nghiệp đấy chú ạ. Trước đây cháu học dốt hơn nó nên vào trung tâm giáo dục thường xuyên. Nó học cấp 3 trường huyện, thi đỗ ĐH. Bốn năm trời tiêu tốn của bố mẹ hơn 200 triệu, cầm tấm bằng về đi xin việc khắp nơi mà không được, đâm ra chán chường, tiêu cực… Thấy thế cháu bảo nó ra đây phụ việc cho cháu, ngoài nuôi ăn cháu trả cho nó 3 triệu/tháng, coi như “vừa làm vừa học”.
Do nhu cầu biên chế của các cơ quan nhà nước ngày càng giảm và do thực tế nhu cầu lao động xã hội, nên có một tỷ lệ khá lớn học sinh tốt nghiệp ĐH, CĐ không xin được việc làm phù hợp với trình độ và khả năng chuyên môn đã được đào tạo. Nhiều thạc sĩ, cử nhân sau khi tiêu tốn thời gian và tiền bạc của gia đình lại trở về làm nông, vài năm sau lấy vợ lấy chồng, để những tấm bằng làm “kỷ niệm cuộc đời”. Những em “năng động” hơn thì xin làm lao động phổ thông, “giấu” bằng ĐH để xin vào làm tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài…
Thực tế có nhiều cử nhân, thạc sĩ… bị thất nghiệp như báo chí nêu đã có tác động không nhỏ đến học sinh khi các em đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Hơn lúc nào hết, câu hỏi vào ĐH để làm gì, có nên vào học ĐH không… luôn là sự trăn trở và nhiều học sinh đã đúng khi chọn con đường học nghề, làm thợ…
Ý kiến ()