Ðổi mới tư duy kinh doanh
Khách hàng giao dịch tại Bưu điện tỉnh Hòa Bình. ( Ảnh: THANH HẢI )Sau ba năm tách khỏi viễn thông, Tổng công ty bưu chính Việt Nam (TCT BCVN) đang dần vững vàng bước đi trên chính "đôi chân" của mình. Bằng sự năng động thay đổi tư duy, nỗ lực sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đơn vị thành viên trong TCT BCVN đã thật sự chuyển mình để thích nghi với môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh.Sự thay đổi tư duy kinh doanh đó đã đem lại hiệu quả khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị được cải thiện rõ rệt. Tại Bưu điện tỉnh Hòa Bình, chi phí cấp bù lỗ của TCT BCVN đối với đơn vị này giảm dần qua các năm, nếu năm 2008 là 14,5 tỷ đồng thì sang đến năm 2010, chỉ còn 8,2 tỷ đồng. Tương tự, tại Bưu điện tỉnh Hải Dương, năm 2011 dự kiến chỉ còn lỗ chín tỷ đồng, giảm ba tỷ đồng so năm 2010. Với Bưu điện tỉnh Quảng Ninh, một trong hai đơn vị được TCT BCVN giao kế hoạch tiến tới cân bằng...
|
Sự thay đổi tư duy kinh doanh đó đã đem lại hiệu quả khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị được cải thiện rõ rệt. Tại Bưu điện tỉnh Hòa Bình, chi phí cấp bù lỗ của TCT BCVN đối với đơn vị này giảm dần qua các năm, nếu năm 2008 là 14,5 tỷ đồng thì sang đến năm 2010, chỉ còn 8,2 tỷ đồng. Tương tự, tại Bưu điện tỉnh Hải Dương, năm 2011 dự kiến chỉ còn lỗ chín tỷ đồng, giảm ba tỷ đồng so năm 2010. Với Bưu điện tỉnh Quảng Ninh, một trong hai đơn vị được TCT BCVN giao kế hoạch tiến tới cân bằng thu chi ngay trong năm 2012, sớm hơn mốc năm 2013 mà Chính phủ đề ra theo đề án thành lập TCT BCVN, số lỗ giảm từ 12,5 tỷ đồng năm 2008 xuống còn 8,45 tỷ đồng năm 2010. Dự kiến năm 2011, con số này chỉ còn khoảng 400 triệu đồng.
Không chỉ ba đơn vị nêu trên, phần lớn các đơn vị trong TCT BCVN đều nỗ lực phấn đấu thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu, chi, giảm cấp bù lỗ từ TCT. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại như trước đây không còn nữa, thay vào đó là sự năng động đổi mới tổ chức kinh doanh, chủ động tìm kiếm khách hàng. Giám đốc Bưu điện tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Hải chia sẻ với chúng tôi: “Sau chia tách, bưu chính phải đương đầu với một loạt khó khăn chồng chất. Nhưng chính hoàn cảnh khó khăn lại buộc mỗi người phải năng động, sáng tạo hơn. Người bưu chính giờ khác lắm, không ngại khó, ngại khổ, chủ động tìm đến khách hàng, tư vấn dịch vụ và phục vụ khách hàng tại chỗ”. Do ảnh hưởng của tình hình lạm phát, đồng thời thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về tiết kiệm chi tiêu nên nhiều đơn vị, cơ quan thực hiện chuyển phát công văn, tài liệu qua hộp thư điện tử nội bộ, đọc báo điện tử… Điều này khiến sản lượng một số dịch vụ bưu chính như bưu phẩm, phát hành báo chí giảm sút. Bên cạnh đó, doanh thu từ thu cước viễn thông, vốn là một trong những nguồn doanh thu chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng doanh thu phát sinh của các bưu điện tỉnh, thành phố thì hiện cũng sụt giảm mạnh do số lượng thuê bao điện thoại của Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) bị giảm trước sức ép cạnh tranh gay gắt của các nhà cung cấp dịch vụ khác. Trước tình hình đó, nhiều bưu điện tỉnh, thành phố đã chủ động tìm các phương án kinh doanh mới để có nguồn thu thay thế. Bưu điện tỉnh Hòa Bình bước đầu triển khai cung cấp vở học sinh cho các trường trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh khai thác dịch vụ bảo hiểm học sinh, giáo viên dịp năm học mới, phối hợp Công an tỉnh Hòa Bình triển khai dịch vụ chuyển phát chứng minh thư, hộ chiếu. Các bưu điện huyện, khu vực cũng đã triển khai hiệu quả các kênh bán hàng tại địa chỉ, khai thác mạnh mẽ mạng lưới các điểm bưu điện – văn hóa xã… Tại Bưu điện tỉnh Quảng Ninh, nhân viên bưu điện đến tận các cơ quan, văn phòng nhận chuyển phát công văn, giấy tờ, tạo thuận lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ. Nhờ vậy, mặc dù có nhiều doanh nghiệp tham gia cạnh tranh cung cấp dịch vụ nhưng dịch vụ chuyển phát nhanh và phát hành báo chí của đơn vị này vẫn chiếm 98% thị phần. Với Bưu điện tỉnh Hải Dương, đơn vị tập trung đẩy mạnh phát triển các dịch vụ như đại lý bán bảo hiểm, bán văn phòng phẩm, cho thuê mặt bằng, kinh doanh vận tải… Chỉ tính riêng dịch vụ đại lý bảo hiểm, doanh thu từ dịch vụ này của toàn Tổng công ty từ đầu năm đến nay tăng hơn 200% so cùng kỳ năm 2010.
Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng sụt giảm, áp lực cân bằng thu, chi là khá lớn đối với các bưu điện tỉnh, thành phố. Bên cạnh việc đa dạng hóa các dịch vụ để có nguồn thu bù đắp, một trong những giải pháp mà nhiều đơn vị tích cực thực hiện là tiết kiệm chi phí sản xuất. Giám đốc Bưu điện tỉnh Quảng Ninh Hoàng Hồ Hải cho biết, bộ máy hoạt động của đơn vị đã được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, lực lượng lao động được sắp xếp, tổ chức lại một cách khoa học, hợp lý. Khi thực hiện chia tách, đơn vị có gần 700 lao động, đến nay, lực lượng lao động đã giảm khoảng 40%. Ngoài ra, việc khoán tiền lương, khoán chi phí như định mức xăng dầu, văn phòng phẩm… được thực hiện cụ thể, chi tiết tới từng phòng ban ở các cấp. Với Bưu điện tỉnh Hải Dương, việc rà soát lại toàn bộ mạng lưới đường thư, điểm phục vụ, bố trí tuyến khai thác một cách khoa học được áp dụng triệt để nhằm tiết kiệm chi phí xăng dầu, nhân lực. Giám đốc Bưu điện tỉnh Hải Dương Đào Văn Tưởng lấy dẫn chứng, trước đây tuyến đường thư cấp 2 Thanh Hà, Ninh Giang – Tứ Kỳ, Gia Lộc – Thanh Niệm được bố trí bốn xe thư với chiều dài toàn tuyến 120 km. Nay, sau khi tổ chức lại, tuyến đường thư này chỉ cần một xe thư chạy, rút ngắn khoảng cách còn 78 km mà vẫn bảo đảm thời gian chuyển phát.
Sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp bưu chính khác trên thị trường cũng như xu hướng tiêu dùng các sản phẩm viễn thông công nghệ thông tin thay thế… đang đặt ra cho TCT BCVN nhiều thách thức, khó khăn trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị thành viên trong TCT phải nỗ lực hết mình, tiếp tục năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh để có thể bảo đảm lộ trình tự cân bằng thu, chi vào cuối năm 2013 và hoạt động có lãi trong những năm tiếp theo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()