Đổi mới tư duy để phát triển ngành xuất bản
Vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lĩnh vực xuất bản, in và phát hành đã đạt được những thành quả đáng kể. Trước thềm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) lần thứ hai-năm 2023, bên cạnh những điểm sáng, các vấn đề bất cập trong lĩnh vực xuất bản cũng được nhìn nhận nhằm hướng tới các giải pháp phát huy thế mạnh trong xuất bản, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
Khu vực trải nghiệm ứng dụng công nghệ tại Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2022. |
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3% so với năm 2021), trong đó, 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng.
Ngổn ngang sai phạm
Tuy nhiên, vấn đề vi phạm trong xuất bản, in và phát hành vẫn nhức nhối. Năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra; thu hồi, tiêu hủy hơn 128.476 ấn phẩm và hơn 7 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc; tổng số tiền phạt trên 1 tỷ đồng. Những vụ việc nổi cộm nhất, đã bị khởi tố gồm: cơ sở in sách lậu trên địa bàn huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai (Hà Nội) bị thu giữ khoảng 100 tấn sách (gồm hơn 400 đầu sách, gần 40 vạn cuốn sách) và các thiết bị in; buôn bán 750 thùng sách với trên 90 nghìn quyển sách giáo khoa giả tại Nhà sách Tự chọn (thị trấn Ðông Hưng, tỉnh Thái Bình).
Theo nhận định của Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý in lậu, in giả còn một số mặt hạn chế, tính chủ động, kịp thời chưa cao. Ðể giải quyết vấn đề này, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc không chỉ của cơ quan quản lý hoạt động xuất bản, mà cần sự quyết liệt của các lực lượng liên quan như: quản lý thị trường, công an và đặc biệt là sự chung tay của toàn xã hội.
Hiện nay, không ít đối tượng lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia và các website đặt máy chủ ở nước ngoài để quảng cáo, chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại. Nếu không ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả, sách giả sẽ “giết chết” sách thật.
Trong thời gian qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã triển khai một số giải pháp mang tính cấp bách, như: Tăng cường phối hợp với các đội liên ngành phòng, chống in lậu ở địa phương và các cơ quan chức năng; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; phối hợp với các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong các hoạt động bảo vệ bản quyền, chống in lậu; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp và nhân dân; tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NÐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/NÐ-CP ngày 7/10/2020) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Những điều chỉnh, bổ sung này đã tăng nặng chế tài xử phạt, góp phần răn đe, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu. Sắp tới, Cục đề xuất bổ sung vào luật hành vi “in ấn sách lậu, sách giả” có mức chế tài xử lý hình sự tương đương với tội “xâm phạm sở hữu công nghiệp”, “làm hàng giả” để tăng tính răn đe. Ðường dây nóng ngăn chặn sách lậu (hotline 24/7 số: 0329610717) đã được Cục thiết lập nhằm tiếp nhận mọi thông tin, thông báo khẩn cấp, phản ánh của tổ chức, công dân về vấn nạn sách lậu, vi phạm bản quyền…
Cần đổi mới tư duy
Những năm gần đây, xu hướng đáng quan tâm của ngành xuất bản là hoạt động phát hành sách điện tử, sách nói trên nền tảng số hoặc qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Xu hướng này được kỳ vọng mở ra một kênh phát hành sách và lan tỏa văn hóa đọc rộng lớn nhắm tới giới trẻ (nhất là thế hệ Gen Z-sinh từ năm 2000 trở đi), đáp ứng yêu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Song, do tính chất mới và phức tạp, trong khi các quy định về sàn thương mại điện tử hiện nay chưa bao quát hết các nội dung cần quản lý, đồng thời với những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương, hoạt động trên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất cập, trong đó có hiện tượng bán sách vi phạm bản quyền; phát hành xuất bản phẩm nhưng không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật; phát hành sách lậu, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi tác giả, nhà xuất bản và đơn vị liên kết, tạo thị trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, đe dọa sự phát triển toàn ngành.
Luật Xuất bản hiện hành quy định 12 chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản nói chung và từng lĩnh vực xuất bản, in, phát hành nói riêng. Tuy thế, sau 10 năm triển khai Luật Xuất bản, mới chỉ có một số ít chính sách được thực thi trong thực tiễn.
Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ-kỹ thuật tiên tiến cho các nhà xuất bản, cơ sở in phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại cũng như các cơ sở in tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo… hầu như chưa được thực hiện, hoặc thực hiện nhưng chưa mang lại kết quả.
Bên cạnh đó, việc đặt hàng xuất bản các tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ trọng yếu khác tuy đã được triển khai nhưng mức đầu tư còn thấp so với yêu cầu thực tiễn (như: chưa thực hiện đặt hàng xuất bản sách cho người khiếm thị, cho người dân vùng còn khó khăn; một số nơi chưa khai thác được hoặc sử dụng thiếu hiệu quả nguồn sách cung cấp từ các chương trình của Chính phủ…).
Thêm vào đó, việc đàm phán, định giá và mua bản quyền những bản thảo tác phẩm có giá trị nhưng thời điểm xuất bản chưa thích hợp còn hạn chế; việc hỗ trợ mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như các chính sách ưu đãi (tiền thuê đất, lãi suất vay vốn…) đối với các cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định Luật Xuất bản hầu như chưa được thực hiện trong thực tiễn.
Bởi vậy, thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài, như: Tập trung tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản; đề xuất bãi bỏ các quy định không còn phù hợp với thực tế… nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển ngành xuất bản phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển các thị trường sách mới; phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội – cánh tay nối dài của cơ quan quản lý chuyên ngành về in, xuất bản; hỗ trợ triển khai các giải pháp quản lý bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống in lậu, xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ về sách trên không gian mạng… nhằm tạo lập và bảo vệ thị trường in, xuất bản và phát hành cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh;…
Năm 2023 được coi là mốc thời gian quan trọng (nếu không muốn nói là hạn chót) để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật Xuất bản (sửa đổi, bổ sung) để tạo ra hành lang pháp lý và nền tảng cơ bản nhằm thúc đẩy hình thức xuất bản điện tử phát triển. Trong tình hình mới, đòi hỏi phải thật sự có tư duy đổi mới, tầm nhìn xa và lộ trình phát triển-theo các chuyên ngành chuyên sâu, cùng sự năng động, sáng tạo để phát huy thế mạnh của từng đơn vị in, xuất bản và phát hành.
Ý kiến ()