Ðổi mới tư duy để nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Giáo dục đại học (GDÐH) nước ta những năm qua đạt nhiều thành tựu, nhưng để tương xứng vị trí, vai trò, đáp ứng tốt nhu cầu xã hội thì vấn đề chuẩn hóa bảo đảm chất lượng và từng bước hội nhập quốc tế cần được đặt ra và triển khai hiệu quả. Ðó cũng là chủ đề của Hội thảo giáo dục 2018, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN và NÐ) của Quốc hội tổ chức vào ngày 17-8 tới. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn PGS, TS Phan Thanh Bình (trong ảnh), Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NÐ của Quốc hội chung quanh những vấn đề này.
Phóng viên (PV): Tổng kết năm học mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho rằng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Ðồng chí đánh giá như thế nào về chất lượng GDÐH hiện nay?
PGS, TS Phan Thanh Bình: Hiện nay chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu, đánh giá bài bản về chất lượng GDÐH. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn có thể thấy, nước ta hiện nay có hàng trăm trường đại học (ÐH) với phổ chất lượng khác nhau từ thấp đến cao. Vì vậy, nếu nói là tất cả các trường đều không đáp ứng được yêu cầu xã hội thì chưa đúng. Có những trường đáp ứng tốt được nguồn nhân lực cho phát triển đất nước nhưng cũng có những trường chưa đáp ứng được, chất lượng còn hạn chế. Mặt khác, khi đánh giá chất lượng đào tạo đáp ứng được yêu cầu hay không cần tính đến cả yếu tố phát triển kinh tế của đất nước. Kinh tế phát triển thì mới tạo ra việc làm, đáp ứng nhu cầu công việc của nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khái quát thì đánh giá như trên (không chỉ của riêng Bộ GD và ÐT mà còn của cả xã hội) về chất lượng nhân lực là điều đáng quan tâm, đặt ra nhiều vấn đề cần nâng cao chất lượng của GDÐH hiện nay.
PV: GDÐH phải song hành hai yếu tố là: Ðào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH). Tuy nhiên, NCKH của các cơ sở GDÐH chưa được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. Theo đồng chí cần tháo gỡ như thế nào để NCKH trong các cơ sở GDÐH xứng tầm, góp phần nâng cao chất lượng GDÐH?
PGS, TS Phan Thanh Bình: Ðúng là GDÐH được ví như đi trên hai chân gồm đào tạo và NCKH. Nhưng thực tế hiện nay khi đầu tư cho NCKH của các cơ sở đào tạo đang rất thiếu nguồn lực. Ngân sách nhà nước có hạn, sự tham gia của doanh nghiệp chưa cao, chuyển giao công nghệ ra xã hội của các trường ÐH chưa mạnh. Thông thường nghiên cứu ở trường ÐH không phải là nghiên cứu cho đến sản phẩm công nghiệp ngay mà là nghiên cứu về khoa học và công nghệ cơ bản. Những nghiên cứu đó chủ yếu là “dừng ở cửa phòng thí nghiệm”, rồi mới bán bản quyền cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư, triển khai các bước rồi chuyển thành sản phẩm công nghiệp. Nếu đòi hỏi sản phẩm do các giảng viên nghiên cứu trong trường ÐH phải trực tiếp ra thành sản phẩm công nghiệp ngay thì rất khó. Bởi giữa một quy trình công nghệ trong phòng thí nghiệm đến sản phẩm công nghiệp xã hội là cả một quá trình. Như vậy, ở nước ta đang thiếu “khớp nối” giữa nghiên cứu ở các trường ÐH với việc tạo thành sản phẩm công nghiệp. Ở trong phòng thí nghiệm chỉ là giải bài toán về khoa học, nhưng ra một sản phẩm thì lại phải giải bài toán về tâm lý xã hội, kinh tế… Như vậy, ở đây cần thấy được từ hai phía, nhà khoa học, các trường ÐH khi nghiên cứu cần gắn với nhu cầu thực tiễn nhiều hơn; trong khi thị trường, nhất là các doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn trong phối hợp, đầu tư nghiên cứu nhiều hơn.
PV: Theo đồng chí, để nâng cao chất lượng GDÐH, các cơ sở đào tạo cần triển khai những gì?
PGS, TS Phan Thanh Bình: Trước hết, các cơ sở GDÐH cần có sự chuẩn hóa, nâng cao chất lượng từ việc bảo đảm các yếu tố đầu vào, chương trình đào tạo, quản trị của nhà trường và hệ thống quản lý của cả nước để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội. Chuẩn hóa cần đi qua ba giai đoạn: Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ của nhà trường, kiểm định độc lập và xếp hạng. Tuy nhiên, hiện nay, quy trình xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ của các trường gần như không có, công tác kiểm định còn nặng về hình thức.
Vì vậy, trong sửa đổi, bổ sung Luật GDÐH sắp tới sẽ có yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ. Khi xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ cần có tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu rồi mới đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Cơ sở đào tạo cần xác định rõ sứ mệnh, mục tiêu đặt ra là trường nghiên cứu, trường ứng dụng hay thực hành. Từ đó xây dựng kế hoạch triển khai, thiết kế những điều kiện và hướng đến xem nghiên cứu, đào tạo và phục vụ cộng đồng ra sao. Thí dụ mục đích trở thành trường nghiên cứu thì thiết kế phục vụ cho nghiên cứu sẽ khác với trường đào tạo, ứng dụng. Sau quá trình hoạt động có kết quả, trường sẽ nhìn lại, so sánh kết quả với mục tiêu đã đặt ra xem đạt hay chưa, đáp ứng yêu cầu xã hội hay chưa, để có những điều chỉnh bảo đảm mục tiêu, chất lượng như mong muốn. Sau khi xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, các trường mới tiến tới tham gia kiểm định của các tổ chức độc lập, đánh giá ngoài để biết khách quan chất lượng của một cơ sở đào tạo có đạt chuẩn hay không. Cuối cùng, cần xếp hạng để đối sánh các cơ sở đào tạo đạt chuẩn và đáp ứng nguyện vọng xã hội.
PV: Hiện nay, một số cơ sở đào tạo nước ta đã được xếp hạng quốc tế góp phần nâng cao vị thế GDÐH Việt Nam. Tuy nhiên, có trường được xếp hạng ở tổ chức này nhưng lại không nằm trong xếp hạng của tổ chức khác. Ðồng chí đánh giá thế nào về vấn đề xếp hạng quốc tế với GDÐH nước ta?
PGS, TS Phan Thanh Bình: Cần phải nói là chúng ta phải thực hiện xếp hạng cho các trường ÐH. Mặc dù xếp hạng cũng sẽ có thể dẫn tới những vấn đề như bị thương mại hay chỉ lo đáp ứng các tiêu chuẩn mà chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo bên trong. Trên thế giới có nhiều tổ chức đánh giá và xếp hạng, mỗi bảng xếp hạng dựa trên những tiêu chí khác nhau cho nên có thể nói xếp hạng là tương đối. Có bảng xếp hạng chỉ dựa trên trang thông tin điện tử của trường, có bảng xếp hạng chủ yếu dựa vào các công bố khoa học… Tuy nhiên, những trường thật sự xuất sắc thường đứng đầu các bảng xếp hạng dù theo tiêu chí nào. Hiện nay, có nhiều hệ thống xếp hạng trên thế giới nhưng các hệ thống phổ biến và uy tín là THE (Times Higher Education – Mỹ), QS (Quacquarelli Symonds – Anh), Jiao tong Thượng Hải (Trung Quốc). Vì vậy, không nên coi xếp hạng đại học là tuyệt đối và duy nhất để đánh giá cơ sở đào tạo, mà cần nhìn nhận thứ hạng trong những hệ thống uy tín để tham khảo và cái cao nhất là việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá của xã hội.
PV: Tự chủ cũng là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng GDÐH. Vấn đề tự chủ trong GDÐH ở nước ta được đề cập từ lâu. Tuy nhiên, việc tự chủ của các trường vẫn loay hoay do có khá nhiều vướng mắc. Theo đồng chí, cần tháo gỡ những gì để các trường thuận lợi trong tự chủ?
PGS, TS Phan Thanh Bình: Nói đến tự chủ trong GDÐH là phải đề cập ở nhiều phương diện: Tự chủ trong chuyên môn; tổ chức bộ máy; tài chính. Tự chủ ÐH nhằm tạo điều kiện cho các trường ÐH, nơi tập trung nhiều người có bằng cấp và trình độ cao, phát huy tốt nhất tiềm năng và trí tuệ, nhằm sáng tạo tri thức mới và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội. Vì vậy, bổ nhiệm giảng viên ra sao, trả lương bao nhiêu, sáng tạo như thế nào… là điều cần tạo điều kiện cho các trường thật sự chủ động. Thực tế GDÐH nước ta đang triển khai 23 trường ÐH thí điểm tự chủ, nhưng hình như cũng chưa hoàn toàn đúng bản chất tự chủ. Bởi ở đó chủ yếu mới là “tự chủ tài chính”, dựa vào tính đúng chi phí đào tạo (không sử dụng ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên), chứ chưa tính hết các khía cạnh của tự chủ ÐH. Vì vậy, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDÐH lần này, cần làm rõ khái niệm tự chủ ÐH gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cộng đồng của cơ sở giáo dục. Cũng như cần xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước với GDÐH, trong phát triển các ngành cơ bản, các định hướng chiến lược của đất nước và tạo sự công bằng giữa các trường ÐH.
Một chủ thể rất quan trọng khi triển khai tự chủ ÐH là hội đồng trường. Tuy nhiên, hiện nay chưa được quy định rõ ràng, đủ cơ chế trong luật. Dù trong quy chế trường ÐH yêu cầu phải có nhưng nhiều trường chưa có hoặc có hội đồng trường nhưng hoạt động còn hình thức. Trong khi đó, muốn tự chủ, các trường phải có hội đồng trường để quyết định các vấn đề quan trọng, chiến lược và giám sát hoạt động của hiệu trưởng. Vì vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật GDÐH sẽ theo hướng quy định nhiệm vụ cụ thể đối với hội đồng trường được quyền làm những vấn đề gì. Hội đồng trường phải có đại diện giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên, sinh viên và người ngoài trường. Hội đồng tự bầu ra chủ tịch và tham gia quyết định hiệu trưởng thì lúc đó mới thấy được tư duy đổi mới trong trường đại học nói riêng, GDÐH nói chung.
Hội đồng trường là chủ thể của tự chủ ÐH và là nơi thể hiện trách nhiệm cộng đồng của trường ÐH. Ðây cũng là điểm nhấn của quá trình bảo đảm chất lượng, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế của GDÐH hiện nay.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Ý kiến ()