Đổi mới trong cách dạy tập làm văn bậc tiểu học
– Để khắc phục tình trạng dạy học kiểu đọc – chép, học thuộc lòng và làm theo bài văn mẫu ở phân môn tập làm văn của môn Tiếng Việt, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khơi dậy sự sáng tạo, tư duy của học sinh ở bậc tiểu học trong phân môn tập làm văn.
Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 252 trường có bậc tiểu học với trên 72.000 học sinh. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã luôn quan tâm chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học nói chung, nhất là phương pháp dạy phân môn tập làm văn của môn Tiếng Việt giúp khơi gợi sự sáng tạo, phong phú vốn từ, không áp đặt khuôn mẫu…
Tiết học Tiếng Việt của học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Những năm qua, đối với phân môn tập làm văn của môn Tiếng Việt, các trường đã chủ động lồng ghép nhiều nội dung mới thu hút sự hứng thú của học sinh, từ đó chất lượng giáo dục môn Tiếng Việt và tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn Tiếng Việt ngày càng tăng.
Tại Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, việc thay đổi đa dạng phương pháp giảng dạy đối với các môn học nói chung và phân môn tập làm văn nói riêng được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên, hiệu quả. Cô Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2022 – 2023, trường có 35 lớp học với hơn 1.600 học sinh. Tập làm văn là một trong những phân môn có vị trí quan trọng của môn Tiếng Việt. Phân môn này đòi hỏi học sinh phải vận dụng những kiến thức, kỹ năng tổng hợp từ những phân môn khác như: chính tả, tập đọc, luyện từ và câu… Tuy nhiên, đối với tiểu học, học sinh còn hạn chế về tư duy quan sát, cảm thụ… Mặt khác, một số phụ huynh đã mua tài liệu cho con em mình nhưng lại không có cách định hướng, hướng dẫn sử dụng phù hợp dẫn đến nhiều học sinh thay vì coi văn mẫu như tài liệu tham khảo lại biến đó thành “kho bài” có sẵn để khai thác. Để học sinh có thể đổi mới tư duy sáng tạo trong tập làm văn, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu đã yêu cầu giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch môn học, chuẩn bị kỹ lưỡng và phong phú nội dung bài giảng, đặc biệt khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng bài để tăng sự sinh động, lôi cuốn và ứng dụng sơ đồ tư duy vào bài giảng giúp học sinh nhớ sườn ý, nội dung, từ đó phát triển hình thành câu đoạn theo cách viết của mình, loại bỏ cách dạy đọc – chép và yêu cầu thuộc văn mẫu.
Không chỉ Trường Tiểu học Chi Lăng, thời gian qua, các trường có bậc học tiểu học còn lại trên địa bàn tỉnh đều chủ động triển khai đổi mới hình thức dạy và học đối với môn Tiếng Việt nói chung và phân môn tập làm văn nói riêng. Một số cách mới đó là trong các tiết học, giáo viên sử dụng những câu hỏi và ngữ liệu không giống sách giáo khoa. Ví như, với học sinh lớp 5 thay vì tả nhân vật cụ thể (mẹ hoặc cô giáo) thì cho tả về một người thân quen… như vậy học sinh có thể triển khai bài văn tả người theo cảm nhận, tình cảm, suy nghĩ của bản thân… Một số trường còn tổ chức hoạt động trải nghiệm để các em được quan sát thực tế và áp dụng vào làm bài; sử dụng sơ đồ tư duy để dạy, giúp học sinh nhớ dàn ý, nội dung nhanh; tổ chức các câu lạc bộ văn học…
Cô Vy Thị Thùy, giáo viên Trường Tiểu học Đại Đồng I, huyện Tràng Định cho biết: Dạy học kiểu đọc – chép với học sinh tiểu học thì tác hại thấy rõ nhất là các em ít sáng tạo, có ít vốn từ, không biết cách đặt và dùng câu, không hình dung ra một đoạn văn phải triển khai (kể, tả…) thế nào. Để học sinh có thể tự tin viết bài, tránh phụ thuộc học tủ, sử dụng văn mẫu, đôi lúc chúng tôi phải chấp nhận cách diễn đạt có phần ngô nghê của học sinh. Trên cơ sở đó, học sinh có thể phát huy khả năng ngôn ngữ và nhiệm vụ của chúng tôi là điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Đồng thời, thường xuyên ghi nhận và tuyên dương sự tiến bộ của học sinh thông qua từng bài viết.
Nhờ sự nỗ lực đổi mới hình thức giảng dạy phân môn tập làm văn đã góp phần nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt trong những năm qua. Đơn cử, năm học 2021 – 2022, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt môn Tiếng Việt toàn tỉnh chiếm 54,8% tăng 5% so với năm học 2020 – 2021.
Phân môn tập làm văn giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học còn lại và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường… Vì thế việc đổi mới, đa dạng hình thức giảng dạy phân môn tập làm văn được ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục chú trọng triển khai trong thời gian tới.
Ý kiến ()