Đổi mới thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá của đổi mới giáo dục
– Hội nghị Trung ương 8 đã nhất trí ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. Phóng viên (PV): Trong dự thảo Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã xác định khâu nào sẽ tạo nên sự đột phá, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:Khâu kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục được xác định là khâu đột phá của đề án. Sở dĩ coi đó là đột phá vì làm ít tốn kém, không cần đầu tư nhiều, khi thay đổi cách thi thì sẽ tác động ngược trở lại thay đổi nội dung dạy học, phương pháp dạy học, đó cũng là nội dung chính trong lần đổi mới lần này. Có thể nói thêm, hiện nay thi, kiểm tra đánh giá cũng đang đổi mới rồi, thí dụ thời gian qua ra đề mở chúng ta đã làm, xây dựng một ma trận đề trong kiểm tra, đánh giá để kiểm tra đánh giá kiến thức một cách toàn diện, tránh học tủ. Hướng tới phát triển năng lực người học thì hiện nay đang làm. Ngoài ra chúng ta cũng đã tham gia đánh giá trên phạm vi cả nước các kỳ đánh giá học sinh phổ thông, đó là những yếu tố đổi mới và đã bắt đầu làm. Nhưng muốn đổi mới thi cử một cách toàn diện hơn, đúng với ý nghĩa của nó thì những yếu tố khác của chương trình phổ thông cũng phải đổi mới theo. Ví dụ thiết kế nội dung dạy học, đảm bảo được nghiệm thu trong quá trình học đến đâu thi, kiểm tra đến đó, sử dụng kết quả đó trong đánh giá cuối cùng. Với phương pháp dạy học tốt hơn thì mới có thể yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, phát huy tính sáng tạo của học sinh được, lúc bấy giờ mới có cái để kiểm tra. Như vậy, khâu kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục có thể được đổi mới sớm hơn, làm hiệu quả nhanh hơn. PV: Nếu xác định kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá của Đổi mới giáo dục lần này, thì những vướng mắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được giải quyết ra sao, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ hướng tới đơn giản hơn, hiệu quả hơn, việc tốt nghiệp phổ thông không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi cuối cùng mà còn căn cứ vào đánh giá trong quá trình học của học sinh trong cấp THPT. Khi kiểm tra cuối cùng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng một cách tổng hợp chứ không chỉ kiểm tra kiến thức như hiện nay. Cách thức công nhận tốt nghiệp trong cả quá trình học và thi cuối cùng cũng tạo ra cơ sở cho tuyển sinh ĐH, CĐ có thể vận dụng vào đó. Các trường ĐH, CĐ cũng có thể dựa vào kết quả quá trình học, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp của học sinh để chọn học sinh, cũng tùy theo từng trường có thể họ sẽ yêu cầu thêm và thi thêm cho phù hợp. Như vậy thi tốt nghiệp cũng nhẹ nhàng hơn, thi đại học cũng nhẹ nhàng hơn mà đáp ứng được đúng yêu cầu của quá trình đào tạo sau này. PV: Thứ trưởng có thể nêu quan điểm về cách cho điểm, đánh giá hiện nay đối với học sinh? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:Điểm không có tội gì, nhưng cái tội của chúng ta là cho điểm không đúng. Điểm chỉ phản ánh một phần kết quả giáo dục mà thôi, chứ không phản ánh toàn bộ mục tiêu giáo dục, nhưng mà chúng ta lại coi điểm là tất cả, cái đó là lỗi. Tiếp sau đây, điểm vẫn sẽ tiếp tục cho nhưng cho vào chỗ nào, cho điểm ở cái gì, lúc nào nên cho điểm và phải ứng xử với điểm số ra sao, cần nhấn mạnh, điểm chỉ là một khía cạnh chứ không phải tất cả các thứ mình cần đánh giá. Hiện nay, theo mô hình trường học mới đã có văn bản và có tài liệu hướng dẫn tập huấn về đánh giá học sinh từ lớp 2-5. Sắp tới Bộ sẽ soạn văn bản để sửa đổi Thông tư 32 hiện nay về đổi mới đánh giá học sinh theo hướng đánh giá phải toàn diện, phải giúp cho việc học, dạy tốt hơn, đánh giả phải giúp cho học sinh học tốt hơn. PV: Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục cũng đã có lộ trình cụ thể, Thứ trưởng có niềm tin rằng lần này đổi mới sẽ có kết quả bền vững không? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển:Bản chất của kiến thức phổ thông có tính bền vững, chỉ có điều mình tiếp cận nội dung đó như thế nào cho hiệu quả, lần này cố gắng làm việc đó. Bây giờ chúng ta cũng nên quan niệm, mặc dù kiến thức bền vững là thế nhưng việc điều chỉnh đổi mới chương trình phổ thông là chuyện bình thường, vừa ổn định nhưng lại vừa phát triển. Cái đó là xu hướng chung của thế giới. Bây giờ chúng ta cũng đã có những bộ SGK mới, sắp tới nhà nước sẽ đảm bảo những bộ SGK cơ bản nhất, còn Bộ sẽ có những cách thức, hướng dẫn, thực hiện chương trình đó phù hợp với những địa phương khác nhau, phù hợp với những giai đoạn khác nhau, mặc dù mình vẫn chưa đổi mới căn bản toàn diện thì vẫn có cách để đổi mới được. Hiện cơ sở vật chất và đầu tư cho đội ngũ giáo viên vẫn là những thứ khó khăn, và các khó khăn này còn mang tính lâu dài. Nhưng chúng ta vẫn phải cố gắng đổi mới theo cách: Thứ nhất, sử dụng hiệu quả kinh phí, hiệu quả là ngân sách nhà nước tập trung sử dụng những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm như giáo dục phổ cập, giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó, các đối tượng chính sách, một số ngành nghề khó xã hội hóa như: Tàu ngầm, điện nguyên tử. Còn những chỗ khác phải huy động cao nhất nguồn lực xã hội đầu tư, phải sử dụng tiết kiệm những cái đang có, không sử dụng bình quân, dàn trải. PV: Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng! |
Ý kiến ()