Đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Giảm đầu mối, tăng hiệu quả công tác
Năm 2019 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Với sự quyết tâm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cho đến nay công tác triển khai, thực hiện đã đạt những kết quả nổi bật. Theo Ban Tổ chức T.Ư, tính đến hết năm 2019, toàn hệ thống chính trị đã giảm bốn đầu mối trực thuộc Trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; bảy tổng cục và tương đương; 87 cục, vụ, 73 đơn vị sự nghiệp thuộc ban, bộ, ngành T.Ư; gần 2.500 phòng và tương đương; hơn 2.100 đội thuộc chi cục; giảm hơn 4.100 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hơn 2.200 đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập; giảm gần 15.200 cấp trưởng, cấp phó. Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cũng giảm được khoảng 97.900 cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Sau tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, nhiều mô hình mới đã phát huy hiệu quả công tác rõ rệt. Nổi bật là việc hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với cơ quan nội vụ cấp huyện; ủy ban kiểm tra cấp ủy với cơ quan thanh tra cấp huyện; hợp nhất đảng bộ khối doanh nghiệp với đảng bộ khối các cơ quan cấp tỉnh; văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện hay mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ; trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện… Những địa phương được đánh giá cao là tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Lâm Đồng…
Năm 2019 cũng là năm trọng tâm của các cấp ủy, đơn vị trong xây dựng đề án vị trí việc làm, là cơ sở cho sắp xếp, tinh giản đội ngũ cán bộ. Ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy tham mưu cấp ủy triển khai thực hiện 13 quyết định về việc ban hành danh mục, bản mô tả vị trí việc làm của các ban xây dựng Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; đồng thời, hướng dẫn, triển khai thực hiện thí điểm quản lý công chức theo vị trí việc làm của các cơ quan khối đảng, đoàn thể. Để triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị”, Ban Tổ chức T.Ư đã tổ chức các hội thảo, phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành tích cực hoàn thiện việc xây dựng danh mục, bản mô tả vị trí việc làm; phối hợp Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định xây dựng vị trí việc làm đối với viên chức; sơ kết một năm áp dụng thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức theo vị trí việc làm. Việc triển khai áp dụng vị trí việc làm đã góp phần rà soát, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng tổ chức bộ máy các cấp tinh gọn, phù hợp, từng bước đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Những kết quả đó đã giúp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đã giảm đầu mối, giảm cấp phó, giảm cấp trung gian; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, từng bước khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Không những tăng hiệu quả công tác, thực tiễn cũng cho thấy việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn gắn với tinh giản biên chế đã góp phần tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển.
Hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức hệ thống chính trị
Bài học rút ra của nhiều cấp ủy, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tinh giản tổ chức bộ máy là tập trung, dồn sức nhưng có lộ trình, thận trọng, tránh nóng vội. Do đó, việc triển khai sáp nhập các đơn vị hành chính mới đây đã được các địa phương tiến hành bài bản, bám sát chỉ đạo của cấp trên, đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng đề án, gửi về Bộ Nội vụ, dự kiến sẽ giảm năm đơn vị hành chính cấp huyện, 556 đơn vị hành chính cấp xã. Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Bến Tre… tích cực sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã và thôn, tổ dân phố. Trong đó, hai tỉnh Hà Tĩnh, Hòa Bình tập trung xây dựng phương án tổng thể sáp nhập xã và phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ sau sáp nhập các xã. Dự kiến sau khi sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm 46 xã, chỉ còn lại 216 xã, giảm 17,56% so với trước khi sắp xếp; tỉnh Hòa Bình sẽ giảm một đơn vị cấp huyện, giảm 59 đơn vị cấp xã, còn 151 đơn vị.
Tổng kết thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cũng đang là một bài học quan trọng rút ra trong công tác sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy năm 2019. Xuất phát từ hoạt động của các mô hình, tổ chức mới, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã đề xuất các phương án đổi mới cơ chế, chính sách. Đây chính là cơ sở để Bộ Chính trị ra Kết luận số 34-KL/TW, ngày 7-8-2018 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, định hướng cho các đơn vị địa phương triển khai việc sắp xếp, sáp nhập. Cũng từ tổng kết thực tiễn, tháng 8-2019, Ban Tổ chức T.Ư đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Quy định 202-QĐ/TW, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ công tác của cấp ủy cấp huyện. Ban cũng chỉ đạo việc bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định 10-QĐi/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 168-QĐ/TW của Ban Bí thư về việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương. Những quy định mới đã giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc trong công tác sắp xếp tinh giản tổ chức bộ máy, dần khắc phục tình trạng “trăm hoa đua nở” tại các địa phương; tạo tiền đề để các cấp, các ngành tiếp tục triển khai các đề án, phương án sắp xếp, tinh giản mới, có tính quyết định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát tại nhiều địa phương, đơn vị cho thấy việc nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị cho phù hợp điều kiện mới còn chậm. Công tác đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy ở một số nơi thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc nắm bắt tư tưởng cán bộ, đảng viên trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi còn lúng túng, chưa kịp thời, dẫn đến việc triển khai thực hiện còn gặp khó khăn. Tinh giản biên chế nhìn chung mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm và thí điểm bố trí, sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức gắn với vị trí việc làm ở một số nơi còn chậm.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do công tác tổ chức, xây dựng Đảng là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động tới tâm tư, tình cảm, lợi ích của nhiều đối tượng. Nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan sau: Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về tầm quan trọng của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Một số quy định, quy chế của Đảng, Nhà nước còn thiếu tính đồng bộ, chưa sát thực tiễn nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa toàn diện, sâu sát, quyết liệt, có biểu hiện trông chờ, ỷ lại; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu thiếu gương mẫu, chưa chủ động, sáng tạo, chưa coi trọng hoặc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát. Sự phối hợp giữa các cấp ủy, tổ chức đảng có lúc, có việc chưa chặt chẽ; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ với cấp ủy và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Một bộ phận cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để khắc phục hạn chế, vướng mắc, thời gian tới nhiều cấp ủy, đơn vị, địa phương cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan hợp nhất, sáp nhập để nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Ban Bí thư về tổ chức bộ máy phù hợp tình hình thực tiễn; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp; kiên quyết cắt bỏ các tổ chức trung gian; giảm đầu mối bên trong; giảm cấp phó. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Kịp thời giải quyết chế độ, chính sách, làm tốt công tác tư tưởng đối với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó cần tích cực triển khai vị trí việc làm trong toàn hệ thống chính trị. Đối với ngành tổ chức, xây dựng Đảng, tiếp tục hoàn thiện khung năng lực vị trí việc làm của công chức. Tham mưu thực hiện các quyết định về việc ban hành danh mục, bản mô tả vị trí việc làm của các ban xây dựng Đảng, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống danh mục, bản mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị” nhằm thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương, tiến tới trả lương cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
Ý kiến ()